(PL&XH) - Kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình hôm 30-6, sự rạn nứt trong chính quyền ngày một hiện rõ với việc một số bộ trưởng không phải là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo đệ đơn từ chức.
Khi Tổng thống Mohamed Morsi cự tuyệt tối hậu thư của quân đội yêu cầu ông phải tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi kế hoạch riêng của mình nhằm thúc đẩy hòa giải dân tộc, đã dấy lên mối quan ngại về một tương lai khó đoán định tại quốc gia châu Phi này.Tổng thống Morsi cho rằng thời hạn chót 48 tiếng do người đứng đầu lực lượng vũ trang Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đưa ra hôm 1-7 là hết sức khó hiểu, mà theo đó ông phải đạt được sự đồng thuận chung với các đối thủ theo đường lối tự do - những người đã tổ chức cuộc tuần hành đường phố với hàng nghìn người tham gia đòi ông Morsi từ chức. Các thành viên của Anh em Hồi giáo đã miêu tả hành động của quân đội là "ngỗ nghịch", gây nguy hiểm cho lộ trình do lực lượng này đặt ra cho Ai Cập.
Tuy nhiên, trong một thông báo đưa ra lúc 2g sáng - 9 tiếng đồng hồ sau khi Tướng Sisi bày tỏ sự ủng hộ các đối thủ của ông Morsi qua việc đề nghị tổng thống hãy lưu ý tới yêu cầu của những người biểu tình - văn phòng Tổng thống đã ra thông báo không trực tiếp nói rằng Tổng thống sẽ phần nào lưu ý tới đề nghị này. Một đoạn video chính thức được phát đi cho thấy ông Morsi đang gặp gỡ Tướng Sisi. Hành động của hai người có vẻ không được thoải mái lắm mặc dù cảnh quay không được rõ. Tuyên bố của văn phòng Tổng thống viết: "Nhiệm kỳ của Tổng thống cho thấy nó diễn ra theo đúng lịch trình đã được hoạch định nhằm thúc đẩy toàn diện sự hòa giải dân tộc... bất chấp các tuyên bố khiến sự chia rẽ giữa các công dân trở nên sâu sắc hơn". Tuy nhiên, khi đề cập tới kế hoạch hòa giải dân tộc của mình như đã nói trước đó, ông Morsi cho biết những đề nghị đã bị phe đối lập loại bỏ, do đó sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót do Tướng Sisi đưa ra.
Tổng thống Morsi và một quan chức cấp cao của Ai Cập.
Kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình hôm 30-6, sự rạn nứt trong chính quyền ngày một hiện rõ với việc một số bộ trưởng không phải là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo đệ đơn từ chức. Ngoại trưởng Mohamed Kamel Amr cũng đã xin từ chức. Các vụ tấn công vào trụ sở của Anh em Hồi giáo đã khiến những người Hồi giáo cảm thấy họ đang bị bao vây. Một số lãnh đạo Anh em Hồi giáo, những người đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2012, nói rằng họ sẽ xem xét việc tổ chức biểu tình trên đường phố. Sau vụ tấn công trụ sở Anh em Hồi giáo trong cuộc đụng độ đêm 1-7 khiến 8 người thiệt mạng, khả năng bạo lực lan rộng đang dần hiện hữu.Các cường quốc trên thế giới đang quan sát Ai Cập với tâm trạng lo lắng, kể cả Mỹ - nước đã hỗ trợ tài chính cho quân đội Ai Cập trong một thời gian dài như một nhân tố chủ chốt trong việc đảm bảo an ninh cho đồng minh Israel của Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc giục ông Morsi và lãnh đạo đối lập thỏa hiệp với nhau. Tuy nhiên, Washington cũng sẽ bảo vệ tính hợp pháp của quá trình bầu cử ông Morsi.
Liên minh hậu thuẫn cho các cuộc biểu tình hôm 30-6 cho biết họ không nhận được đề nghị đàm phán nào với ông Morsi và liên minh này sẵn sàng thảo luận trực tiếp với quân đội sau khi thời hạn chót 48 giờ kết thúc. Tướng Sisi, trong một tuyên bố trên truyền thông, khẳng định rằng ông coi lợi ích của dân tộc là tâm điểm. Phát biểu này làm nổi bật hơn nữa sự ủng hộ quân đội vốn rất cao trong người dân Ai Cập. Tuy nhiên, cơ hội cho sự thỏa hiệp giữa ông Morsi và các nhóm chỉ trích theo đường lối tự do là rất ít nếu không có áp lực từ phía quân đội. Hiện không rõ là Tướng Sisi đã gây sức ép với ông Morsi như thế nào. Mặc dù lãnh đạo phe đối lập đưa ra những điều kiện cứng rắn song một số thỏa hiệp - mà trong đó cho ông Morsi thêm thời gian lãnh đạo đất nước hoặc chuẩn bị để tổ chức trưng cầu dân ý về việc kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của ông - có thể khả thi.
Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét