Ngày 15.6.1996, Trung Quốc (TQ) phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và ban hành Quy định về hệ thống đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, bao gồm quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa).
Theo tuyên bố, đường cơ sở tiếp giáp với quần đảo Hoàng Sa gồm 28 điểm nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm thuộc quần đảo.
Với tuyên bố đường cơ sở này, Bắc Kinh đã đơn phương mở rộng lãnh hải TQ gấp 7 lần từ 370.000 km2 lên 3 triệu km2, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gây lo ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực.
Bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn của TQ hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 - Ảnh tư liệu
|
Quy định đường cơ sở của TQ ở quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản: đó là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của VN và cũng là sự vi phạm các quy định của luật biển quốc tế về vạch đường cơ sở. Nếu đặt vấn đề chủ quyền lãnh thổ sang một bên để chỉ xét về mặt kỹ thuật, thì việc vạch đường cơ sở của TQ tại Hoàng Sa không tôn trọng tinh thần và nội dung của Công ước của LHQ năm 1982 về Luật Biển.
Hệ thống đường cơ sở thẳng ở đây nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, các bãi nửa nổi nửa chìm ngoài cùng của quần đảo. Ở đây rõ ràng TQ đã áp dụng phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo chỉ quy định cho các quốc gia quần đảo (Điều 47 của Công ước) để vạch đường cơ sở cho các quần đảo xa bờ.
Điều 47 quy định: quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nửa nổi nửa chìm của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Diện tích mà hệ đường cơ sở này của TQ bao lấy là một khu vực rộng 17.000 km2, trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10 km2.
Ngoài ra, hầu hết các đá, bãi san hô mà TQ sử dụng ở đây đều không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng. Các đảo này lại cách xa nhau quá 24 hải lý, không có lý do gì có thể nối các đoạn đường cơ sở như vậy. Do vậy bất kỳ một vùng biển nào mà TQ tuyên bố bao quanh vùng biển của các mỏm đá, bãi san hô này về mặt kỹ thuật đều trái với các quy định của Công ước 1982.
Việc TQ phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, đồng thời ra tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải cho thấy mâu thuẫn ngay trong bản thân lập trường và hành động của nước này. Việc gia nhập Công ước và quy định đường cơ sở một mặt gián tiếp tự bác bỏ yêu sách vô lý của TQ đối với cái gọi là "vùng nước tiếp giáp với Tây Sa, Nam Sa lãnh thổ TQ", hoặc đối với "vùng nước lịch sử TQ" trong biển Đông, như một vài học giả TQ đề xướng, được coi như hàm ý chỉ vùng biển nằm trong phạm vi đường "lưỡi bò" (đứt khúc) 9 đoạn thường được thể hiện trên bản đồ TQ từ cuối những năm 1940 trở lại đây, mặt khác lại là một cố gắng tìm ra một cơ sở pháp lý quốc tế mới, hết sức phi lý, để hòng tìm cách duy trì một yêu sách biển trên thực tế là như cũ trong biển Đông.
Ngày 8.7.2010, Phái đoàn thường trực của Indonesia tại LHQ đã có công hàm phản đối công hàm ngày 7.5.2009 của Phái đoàn thường trực của TQ tại LHQ về cái gọi là bản đồ yêu sách hình chữ U (hay đường đứt khúc 9 đoạn) trong biển Đông.
Công hàm phản đối của Indonesia có một ý nghĩa lớn vì Indonesia không phải là một nước tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Indonesia đã theo dõi tranh luận của các bên về đường chữ U và thể hiện quan điểm của mình là TQ đã “không có sự giải thích rõ ràng về cơ sở pháp lý, phương pháp vẽ cũng như quy chế của con đường đứt khúc đó”.
Việc cho phép sử dụng các đảo đá không người ở, ở xa lục địa và nằm giữa biển như điểm cơ sở để đòi hỏi các vùng biển là tổn hại các nguyên tắc cơ bản của Công ước 1982 cũng như xâm phạm đến các quyền lợi chính đáng của cộng đồng quốc tế. Phái đoàn thường trực của Indonesia tại LHQ kết luận bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn trong Công hàm ngày 7.5.2009 của Phái đoàn thường trực của TQ tại LHQ hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
TS Nguyễn Hồng Thao – Nguồn Báo Thanh Niên