CHI HỘI THƯƠNG BINH TÌNH NGHĨA 282 LÊ LỢI
QUỐC CA
Tiến Bước dưới Quân Kỳ
nghi lễ Quân đội
Bác Đang Cùng Chúng Cháu Hành Quân
Bài ca thông nhất
Như có bác Hồ trong ngay vui Đại tháng
Kỷ niêm 1000 năm thăng long
Ghi chép
Công
việc yêu cầu tôi phải thường xuyên đọc những trang web của các tờ báo
khác để rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng cho báo Tây Ninh điện
tử. Một hôm, tôi mở trang web báo Sài Gòn Giải phóng để nghiên cứu video
clip của báo và phát hiện ra loạt phóng sự nhiều tập bằng video clip “Huyền thoại Trường Sơn”, “Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh”,…
Bất ngờ tôi nhận ra người phát biểu trong một đoạn phim là thủ trưởng
cũ của tôi - Đại tá Đinh Công Ty. Ông không chỉ là thủ trưởng cũ mà còn
là ân nhân của tôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tôi bồi hồi nhớ
lại:
Tháng 5.1973, đơn vị của tôi
chở vũ khí từ Quảng Bình vào giao cho bộ đội ở Kon Tum. Chuyến đi kéo
dài gần 2 tuần lễ. Đơn vị quay về đúng lúc thời tiết chuyển sang mùa
mưa. Khi đến khoảng giữa tỉnh Xavanakhet (Cộng hòa dân chủ nhân dân
Lào), tôi bị sốt rét quật ngã lần đầu. Suốt mấy ngày liền tôi sốt ly bì,
hễ ăn vào thứ gì là nôn ra hết. Chuyến đi ấy, tiểu đoàn trưởng và tôi
đi chung một xe, ông đã lái xe giúp tôi trong những ngày tôi bị sốt.
Thấy tôi có triệu chứng sốt ác tính, quân y sĩ đi cùng tiểu đoàn đề nghị
đưa tôi đến Trạm Quân y Tiền phương của Trung đoàn để điều trị. Nói là
Trạm Quân y Tiền phương nhưng thuốc men chẳng còn lại là bao. Các bác
sĩ, y sĩ trong trạm dốc hết thuốc điều trị cho tôi nhưng chỉ còn lại vài
liều quinin để chích và ít viên thuốc vitamin B1…Nơi đóng quân của Trạm
Quân y Tiền phương dã chiến là mấy cái lán lợp bằng lá cọ rừng, giường
điều trị bệnh nhân là những cái sạp làm bằng nứa. Tôi vào điều trị ở
Trạm quân y Tiền phương được 2 ngày thì các bác sĩ, y sĩ và nhân viên
của trạm đều nhìn tôi lắc đầu. Trong Trạm bấy giờ chỉ có tôi là bệnh
nhân duy nhất và cũng là ca bệnh khó cứu chữa nhất.
Đúng lúc đó Phó Chính ủy Trung
đoàn Đinh Công Ty đến làm việc với Trạm Quân y Tiền phương. Ông đến để
kiểm tra việc chuẩn bị “rút quân” về Việt Nam của Trạm. Bởi vì theo quy
luật, khi mùa mưa đến, các con sông bên Lào ngập nước, đường sá, cầu
cống đều bị nước làm hư hỏng hoặc cuốn trôi. Thời điểm đó, bộ đội Trường
Sơn phải rút về Việt Nam để dưỡng sức, cúng cố đơn vị và xây dựng lực
lượng chuẩn bị cho mùa khô năm sau. Sau khi nghe Trưởng Trạm báo cáo,
ông đi đến từng lán kiểm tra. Khi đến “giường bệnh” của tôi, ông hỏi:
“Tình hình sức khỏe của đồng chí này thế nào?”. Tưởng tôi bị ngất,
Trưởng Trạm báo cáo thật: “Báo cáo đồng chí, đồng chí này bị sốt rét ác
tính ngày thứ năm. Tình trạng thể lực rất yếu, mấy ngày nay không ăn
uống gì. Trạm chúng tôi đã hết “huyết thanh” (dung dịch truyền), chỉ còn
vài mũi quinin và ít viên thuốc uống nhưng hễ uống vào lại ói ra. Mạng
sống của đồng chí ấy chỉ còn 1, bệnh đã lấy đi 9 phần rồi…”. Nghe đến
đó, ông nghiêm giọng: “Bằng mọi cách phải cứu đồng chí ấy! Các đồng chí
phải tích cực lên! Trước hết, đồng chí phân công anh nuôi làm thịt 2 con
gà tôi mang theo để ép thành nước cho đồng chí ấy uống, nhưng uống rồi
phải giữ cho đừng bị ói để tăng sức cho bệnh binh…”.
Sau đó, các chiến sĩ ở Trạm
quân y đã làm theo lời Phó Chính ủy dặn, đồng thời điểm huyệt để tôi
không bị ói khi uống nước thịt gà. Món “thuốc” của thủ trưởng đã mang
đến cho tôi điều kỳ diệu nhất. Nước thịt gà đã làm cho tôi vượt qua
ngưỡng cửa của “thần chết”. Sức khỏe của tôi phục hồi dần. Tôi bắt đầu
ăn được cháo. Khi tôi tự ngồi dậy được, Trạm Quân y Tiền phương quyết
định dời trụ sở ra đóng quân gần hồ Cẩm Lệ (Quảng Bình). Tôi phải tiếp
tục điều trị thêm 3 tháng mới được Trưởng Trạm Quân y cho phép trở về
đơn vị. Ít ngày sau, tôi lại cùng đồng đội lái xe đưa vũ khí và lương
thực vượt qua hàng ngàn cây số vào chiến trường Lộc Ninh...
Cũng năm đó, thủ trưởng của tôi
được bổ nhiệm làm Chính ủy Trung đoàn 11. Tôi tiếp tục lái xe vận tải
quân sự trên đường Trường Sơn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn
vị của tôi nhận trọng trách là chở quân chủ lực đánh thẳng vào Sài Gòn.
Chiến tranh kết thúc, đơn vị tôi chuyển
ra Hà Tĩnh, theo đường quốc lộ 8 sang giúp nước bạn Lào xây dựng tuyến
đường ống xăng dầu. Đến năm 1977, tôi xin chuyển ngành qua dân sự.
Khi nhìn thấy ông trên video
clip tôi nhớ đến ký ức thời chiến tranh. Tôi lập tức điện thoại cho Nhà
văn, Đại tá Phạm Hoa, lúc đó là Cục phó Cục văn hóa - Văn nghệ thuộc
Tổng cục Chính trị. Đại tá Phạm Hoa vốn là bạn thân thiết của tôi từ năm
1973 đến 1976, anh cho biết có gặp Đại tá Đinh Công Ty nhưng ít có dịp
nói chuyện với ông nên không xin được số điện thoại. Anh cho tôi số của
Đại tá Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu
cần hiện là Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Trường
Sơn. Thông qua Đại tá Ninh, tôi có được số điện thoại của thủ trưởng
Đinh Công Ty. Quá mừng, tôi vội bấm số của thủ trưởng cũ mà quên chuẩn
bị nội dung sẽ thưa gửi với thủ trưởng. Thủ trưởng mở máy, giọng ông vẫn
khỏe mạnh như khi trả lời phỏng vấn của phóng viên truyền hình. Tôi
giới thiệu họ tên, cấp bậc và nơi công tác hồi còn ở trung đoàn xe vận
tải của ông. Để ông dễ nhớ hơn tôi nhắc lại chuyện đầu mùa mưa năm 1973.
Ông cười khà. Ông thông báo cho tôi ngày 15.5.2011, Ban Liên lạc truyền
thống Bộ đội Trường Sơn phía Nam sẽ họp mặt toàn thể hội viên. Ông mong
ngày đó tôi đến để ông giới thiệu tôi với đoàn Tây Ninh và anh em gặp
nhau sau gần bốn chục năm qua.
Ngày 15.5, tôi có mặt ở Hội
trường Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khi các đoàn đang tấp nập kéo tới.
Tôi đến chào ông, ông hẹn đến cuổi buổi sẽ gặp mặt ít phút để trao đổi.
Từ lúc đó, ông bận túi bụi, lúc thì ông
tự tìm đến các Ban của từng tỉnh để nắm tình hình, lúc thì lắng nghe các
Ban, Phân ban đến báo cáo. Ông làm nhiệm vụ của Phó Ban Thường trực,
chuẩn bị tất cả nội dung cho buổi kỷ niệm trọng thể này. Ông vất vả là
phải, bởi lãnh đạo các đơn vị đều là những cựu cán bộ, chiến sĩ từng
công tác trên đường Trường Sơn, họ đã lớn tuổi và không còn nhanh nhẹn
nữa. Ông cũng không đòi hỏi lãnh đạo của tất cả các Ban phải “quân lệnh
như sơn” như trước đây mà tự mình đi thu thập thông tin cho buổi họp mặt
trôi chảy. Nhìn thấy hinh ảnh của ông, tôi xúc động nghĩ: “Ông vẫn là
cán bộ lãnh đạo đầy trách nhiệm và luôn tận tụy với công việc như thời
còn là “anh bộ đội cụ Hồ” vậy”. Nhiệm vụ của Ban Liên lạc truyền thống
không đem lại quyền lực, bổng lộc gì nhưng ông vẫn làm với tinh thần
trách nhiệm rất cao. Mãi đến sau này, khi trò chuyện với ông tôi mới
biết tâm nguyện của ông muốn các hoạt động của Ban sẽ là mối liên lạc
gắn bó chặt chẽ những người từng là chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Qua đó,
lãnh đạo của Ban mới hiểu hoàn cảnh của từng người. Qua thông tin từ cơ
sở, ông biết được hoàn cảnh khó khăn của một số cựu chiến binh Trường
Sơn. Ngay sau đó, ông liên hệ với Đài phát thanh truyền hình thành phố
Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải phóng,…đến trực tiếp giúp đỡ họ. Đó chính
là mong mỏi, là nguyện vọng lớn nhất của ông trong những ngày đất nước
thanh bình.
Cuối buổi, tôi cùng chụp tấm hình lưu
niệm với ông. Ông tranh thủ kể cho tôi nghe một ít về bản thân: Ông sinh
năm 1935, gia nhập quân đội từ hồi kháng chiến chống Pháp. Năm 1954,
đơn vị của ông tham gia đánh trận Điện Biên Phủ. Sau khi đất nước tạm
chia cắt hai miền ông tiếp tục ở trong quân đội vừa xây dựng lực lượng
sẵn sàng chiến đấu vừa phát triển kinh tế của đất nước. Khi giặc Mỹ ném
bom đánh phá ra miền Bắc đơn vị của ông tham gia chiến đấu chống chiến
tranh phá hoại. Đến năm 1965, ông được điều vào công tác ở Bộ đội Trường
Sơn và là một trong những cán bộ đầu tiên xây dựng trung đoàn xe vận
tải thuộc sư đoàn 571. Ông có nhiều năm làm Phó Chính ủy rồi Chính ủy
của Trung đoàn xe vận tải số 11. Tháng 4.1975, Trung đoàn 11 là đơn vị
chở các chiến sĩ bộ binh của quân đoàn 2 đánh trực diện vào Sài Gòn từ
xa lộ Hà Nội. Sài Gòn - Gia Định được giải phóng, ông tham gia lực lượng
quân quản thành phố mới được giải phóng. Tháng 7.1975, ông được Chủ
tịch Ủy ban quân quản thành phố bổ nhiệm làm huyện đội trưởng huyện đội
Bình Chánh. Đến năm 1977, khi Sư đoàn xe ô tô vận tải nhận nhiệm vụ quốc
tế giúp đỡ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tái thiết đất nước, Quân
đội điều động ông trở về Sư đoàn 571 làm Chủ nhiệm Chính trị. Năm 1980
ông được điều động qua Cục Xăng dầu của Tổng cục Hậu cần giữ chức vụ
Chính ủy Cục Xăng dầu. Năm 1990, ông nghỉ hưu.
Ông được bầu làm Ủy viên Thường
trực Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sơn và là Phó Trưởng
Thường trực Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn khu vực phía Nam. Gia đình
ông hiện sinh sống tại đường Nguyễn văn Quá, Quận 12, thành phố Hồ Chí
Minh.
Gặp tôi, ông vẫn dành nhiều
tình cảm như hồi trong chiến tranh. Đến khi tôi xin phép ra về, ông vẫn
nhắc đi nhắc lại: “Cường về trên đó nhớ tìm xem còn ai là đồng đội cũ
công tác ở Trường Sơn thì giới thiệu họ đến ghi tên vào Ban liên lạc
truyền thống của Tây Ninh. Nếu có điều kiện, em nên động viên tất cả càc
hội viên cùng nhau giúp đỡ những đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn để tất
cả mọi người cùng có cuộc sống ấm no,…”.
Khi đặt bút viết về ông, thủ
trưởng cũ - ân nhân thời chiến tranh của tôi mà lòng tôi trào lên bao
xúc động. Cuộc chiến tranh đã đi qua hàng chục năm nhưng tâm hồn của
người lính, của “anh bộ đội cụ Hồ” trong ông vẫn lung linh. Đó chính là
phẩm chất cao quý luôn được mọi người trân trọng, quý mến.
Võ Cường
Báo Tây Ninh Điện tử
Ảnh: Tác giả chụp chung với Đại tá Đinh Công Ty tại cuộc họp ngày 15.5.2011