Dân Việt - Mẫu thử hoàn chỉnh đầu tiên của tên lửa siêu vượt âm BrahMos này sẽ được Nga-Ấn trình làng trong 2 năm tới. Với tốc độ gấp 7-8 lần tốc độ âm thanh, loại vũ khí này gần như không thể bị đánh chặn.
Tại triển lãm Hải quân thế giới đang diễn ra tại Saint Peterburg (Nga), đại diện chính thức công ty BrahMos đã tiết lộ: “Hiện dự án phát triển tên lửa BrahMos siêu vượt âm mới chỉ có trên giấy. Nhưng chúng tôi tin rằng mẫu tên lửa hoàn chinh đầu tiên sẽ được ra mắt sau 2 năm”.
Tên lửa BrahMos là sản phẩm hợp tác giữa Nga và Ấn Độ.
|
Thực tế, người Nga đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo các phương tiện bay siêu vượt âm từ thời Liên Xô. Từ giữa thập niên 1970, Liên Xô bắt tay chế tạo thiết bị bay siêu vượt âm thử nghiệm Kh-90. Dự kiến, Kh-90 được biên chế trong năm 1983.
Theo những kết quả ban đầu, Kh-90 đã đạt tốc độ siêu âm Mach 4. Tuy nhiên, bất chấp thành công đã đạt được, vào những năm 1990, chính quyền Nga ra lệnh tạm dừng tất cả công việc có liên quan đến lĩnh vực này (dự án bị dừng lại vì Liên Xô và Mỹ đạt được các thỏa thuận về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược trong những năm cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh).
Vì vậy, trong suốt một thập kỷ, dự án phương tiện bay siêu vượt âm của Nga đã “không hoạt động”. Không có bất cứ một mô hình thử nghiệm nào được đưa ra và tất nhiên là chẳng có cuộc bay thử nghiệm vào được biết đến.
Dù vậy, tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS-1997, trong gian trưng bày các loại tên lửa của Nga, khách thăm quan đã được chiêm ngưỡng một biến thể tên lửa Kh-90. Tên lửa được tích hợp hai đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 100 km ở giai đoạn phân tách từ độ cao 7-20km trên máy bay ném bom Tu-160M.
Sau khi tách từ máy bay ở độ cao thích hợp, tên lửa lập tức mở cánh và bay theo quỹ đạo được lập trình sẵn, cánh của tên lửa có chiều dài khoảng 7m. Theo các chuyên gia nghiên cứu về tên lửa của Nga, các tên lửa thông thường có chiều dài khoảng 8-9 m, nhưng tên lửa hành trình Kh-90 có chiều dài lên tới 12 m, và vào thời điểm đó, không một quốc gia nào trên thế giới có một tên lửa hành trình siêu âm tiên tiến như của Nga.
Trong những năm gần đây, Nga đã phục sinh lại kế hoạch chế tạo các phương tiên bay siêu vượt âm.
Cũng theo lời người đại diện BrahMoss, tên lửa mới sẽ không dựa vào bất kỳ nguyên mẫu nào. Quá trình chế tạo tên lửa này sẽ sử dụng thành tựu của nhiều nước trong công nghệ siêu vượt âm, trước hết là của Nga, cùng một vài công ty của Ấn Độ. “Ngoài khúc mắc về kỹ thuật, vấn đề cơ bản của dự án này là tài chính”, người đại diện của BrahMoss cho biết.
Thỏa thuận chế tạo phiên bản siêu vượt âm của tên lửa siêu thanh BrahMos được Nga và Ấn Độ ký tại cuộc triển lãm Hải quân lần trước vào năm 2011. Theo đó, tên lửa mới này có thể đạt tốc độ gấp 7-8 lần tốc độ âm thanh
Thanh Bình
Theo itar-tass
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét