TPO – Trang tin Sankei của Nhật Bản mới đây đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng tàu hải giám cỡ 10.000 tấn và sẽ trú tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, tức quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
|
Một tàu hải giám của Trung Quốc. |
Theo Sankei dẫn nguồn tin từ “Thời báo Hoàn cầu” ngày 25 –1 cho hay, Trung Quốc sẽ thực hiện dự án đóng tàu hải giám với chiều dài 156 mét, cỡ 10.000 tấn với tốc độ tối đa là 70 km/giờ.
Cũng theo nguồn tin, một công ty ở miền nam Trung Quốc sẽ triển khai kế hoạch đóng tàu này. Đây cũng là con tàu hải giám có kích cỡ lớn nhất và tiên tiến nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc đóng tàu có tải trọng lớn này là nhằm tăng cường sự quản lý trên vùng biển, Sankei cho biết.
Sau khi hoàn thành, con tàu cỡ 10.000 tấn này sẽ trú tại vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp.
Động thái này của Trung Quốc có thể xem là mối quan ngại của các nước láng giềng trong khu vực khi hiện nay căng thẳng quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo đang ngày một leo thang.
Trong thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên cử tàu hải giám ra vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Phía Nhật Bản cũng liên tục có các hoạt động ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc ở quanh vùng biển này.
Mới đây nhất, một tàu chở theo bảy nhà hoạt động của Đài Loan (Trung Quốc) đã tiến ra vùng biển quần đảo Điếu Ngư/Senkaku buộc cảnh sát Biển Nhật Bản đã phải dùng đến vòi ròng để xua con tàu này ra khỏi khu vực.
Trước đó, Nhật Bản cũng đã tính đến việc sẽ điều máy bay F15 tới trú tại sân bay ở một đảo gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm phản ứng nhanh trong tình huống máy bay Trung Quốc bay tới không phận quần đảo.
Cách đây một tuần, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp báo với người đồng cấp của Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ Nhật Bản về vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phía Trung Quốc ngay sau đó đã lên tiếng chỉ trích sự ủng hộ này của Mỹ đối với Nhật Bản.
Trong cuộc gặp mới nhất giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Đảng Công minh mới của Nhật Bản Natsuo Yamaguchi, ông Tập Cận Bình đã lên tiếng kêu gọi hai bên cùng phối hợp để giải quyết vấn đề “nhạy cảm’ một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất thông qua đối thoại.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tập Cận Bình vẫn giữ nguyên quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này và rằng quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật gọi là Senkaku) là chủ quyền của Trung Quốc.
Nguyễn Thủy
Tổng hợp