Trang tin Globe and Mail của Mỹ đưa tin, ngày 5-8 phóng viên của hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản đã phát hiện ra một bản báo cáo quân sự bí mật cho biết, sau khi củng cố nhiều cứ điểm hải quân ở phía Nam biển Đông, Trung Quốc lại thiết kế một tuyến đường trinh sát và tuần tra trên biển.
Tuyến đường trinh sát và tuần tra này gần như phủ khắp mọi hòn đảo đang tồn tại tranh chấp ở biển Đông, trong đó một số đảo chỉ cách tỉnh Palawan – cực Tây của Philippines chưa đầy 85 km.
Báo cáo cho biết, năm 2013 hạm đội Nam Hải của hải quân PLA đã xây dựng một mô hình tuần tra mới, những hòn đảo đang tồn tại tranh chấp mà lộ trình tuần tra này bao trùm đều nằm trong phạm vi của “đường lưỡi bò” trên Biển Đông do Trung Quốc đưa ra. Cái gọi là “đường 9 đoạn” đã đưa gần như cả biển Đông vào bản đồ của Trung Quốc.
Bản báo cáo chỉ ra rằng: “Chính vì thế các đảo như Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Bãi Cỏ Rong (Reed Tablemount), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hoặc là nằm bên trong tuyến đường tuần tra (của Trung Quốc), hoặc nằm ngay trên đường tuần tra”.
Bản báo cáo chỉ ra rằng, Đá Vành Khăn (Mischief Reef) đã trở thành căn cứ quân sự Nam Hải và trung tâm chỉ huy hoạt động náo nhiệt nhất của hải quân Trung Quốc. Người ta thường thấy tàu hộ vệ, tàu tuần tra và tàu đánh cá của Trung Quốc dừng ở Đá Vành Khăn.. Trung Quốc xây dựng Đá Vành Khăn thành một cứ điểm hải quân, được trang bị bãi đỗ máy bay trực thăng, bệ phóng xi mặc, bệ pháo cao xạ, thiết bị thông tin vệ tinh, radar cảnh giới bờ biển, tấm năng lượng mặt trời, hệ thống đèn chiếu, thậm chí cả một sân bóng rổ. Nguồn tin cho thấy, Trung Quốc đều đã nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự cho 7 hòn đảo mà quốc gia này lấn chiếm, những cứ điểm này đều nằm dưới sự chỉ huy của hạm đội Nam Hải.
Trong các hòn đảo, rạn san hô Đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà Trung Quốc gọi là Zhubi (tiếng Anh Subi reef) cách đảo Thị Tứ của Việt Nam gần nhất. Trên khu vực Đá Xu Bi được trang bị 4 pháo cao xạ, ngoài ra còn có angten parabol và 1 mái che radar mới. Bản báo cáo viết rằng: “Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) (thuộc cụm Nam Yết trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thường được coi là cảng khẩu để tàu đổ bộ loại lớn lớp 072-II sử dụng khi tiến vào biển Đông”.
Bản báo cáo mật này tiết lộ, hầu hết tàu hộ vệ và tàu khu trục của Trung Quốc tuần tra tại các khu vực có tranh chấp đều xuất phát từ căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam. Bản báo cáo viết rằng: “Một điều cũng cần phải chú ý là, những căn cứ này còn được sử dụng làm căn cứ tàu ngầm”; “Trung Quốc còn bố trí lực lượng hỗ trợ, tức có một số tàu thuyền vận tải/tiếp tế đóng vai trò làm lực lượng chi viện cho lực lượng tác chiến.
Ngoài ra còn có ít nhất 4 tàu hải giám và tàu ngư chính của Trung Quốc định kỳ xuất hiện ở biển Đông”. Tàu ngư chính Trung Quốc đều được cải hoán từ tàu hải quân có năng lực tương đương với tàu chiến dù sơn màu trắng. Bản báo cáo viết: “Lực lượng tàu chấp pháp trên biển như tàu hải giám và tàu ngư chính của Trung Quốc vẫn là một lực lượng đe dọa mang tính quân sự trên Biển Đông”
Bản báo cáo cho rằng, lộ trình tuần tra mà Trung Quốc mới thiết kế sẽ khiến cục diện trên Biển Đông “càng thêm bất ổn”, trong khi kể từ tháng 2-2013 trở lại đây, những hành động bố trí tàu chiến ở khu vực gần Bãi Cỏ Mây của hải quân Trung Quốc đã thể hiện rõ nét “thay đổi quan trọng” này. Trung Quốc đang bố trí “lượng lượng quân sự dài hạn” gồm ít nhất 2 tàu hộ vệ và tàu đổ bộ loại lớn lớp 072-II và coi lực lượng này là “lực lượng chiến đấu”.
(TBHC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét