Với vụ hạ thủy này, Ấn Độ sẽ trở thành một trong 5 quốc gia có khả năng tự thiết kế và đóng tàu sân bay có độ choán nước 40.000 tấn trở lên, theo tờ The Hindu.
"Mỹ, Anh, Nga và Pháp là những quốc gia có năng lực thiết kế và đóng tàu sân bay từ 40.000 tấn trở lên. Ấn Độ sẽ gia nhập cùng họ", Phó đô đốc R.K. Dhowan, Phó tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, phát biểu hôm 1.8.
Tàu sân bay INS Viraat đang hoạt động của Ấn Độ - Ảnh: AFP
|
Ông Dhowan cho biết chiếc tàu sẽ được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa với radar đa nhiệm và hệ thống vũ khí cận chiến.
Tàu sân bay nội địa của Ấn Độ sẽ được đặt tên INS Vikrant, theo tên chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này, và có thủy thủ đoàn 1.450 người.
Tàu sẽ được trang bị chiến đấu cơ của Nga, phiên bản hải quân của máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) và trực thăng.
Được tập đoàn đóng tàu Cochin khởi đóng từ tháng 11.2006, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ có chiều dài 260 mét và chiều rộng tối đa là 60 mét, với hai động cơ turbin khí LM 2500. INS Vikrant sẽ có hai đường băng cất cánh và một đường băng hạ cánh với ba sợi cáp hãm đà.
Sau khi hạ thủy và thực hiện các chuyến chạy thử, tàu sân bay INS Vikrant sẽ hoàn tất việc trang bị vũ khí vào năm 2016. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, tàu INS Vikrant dự kiến sẽ được biên chế vào năm 2018.
Trong khi đó, tàu sân bay mua lại của Nga nhiều khả năng sẽ được chuyển giao cho hải quân Ấn Độ trước cuối năm nay. Cùng với chiếc INS Viraat hiện đang hoạt động, Ấn Độ sẽ sở hữu hai tàu sân bay vào lúc đó.
Chiếc INS Viraat dự kiến sẽ được giải nhiệm sau khi chiếc INS Vikrant được biên chế vào cuối năm 2018. Ngoài chiếc INS Vikrant, Ấn Độ còn có kế hoạch đóng tàu một chiếc tàu sân bay nội địa thứ hai.
Theo ông Dhowan, mục tiêu của New Delhi là có ba nhóm tàu sân bay trong tương lai, với hai nhóm sẽ được triển khai ở hai bờ biển phía đông và phía tây trong khi một nhóm dùng để phòng hờ.
Sơn Duân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét