Đã 60 năm kể từ ngày bán đảo Triều Tiên tạm ngừng bắn, khu phi quân sự Bàn Môn Điếm trở thành nơi chia cách 2 miền Nam và Bắc. Thế nhưng, khoảng cách về thông tin giữa hai bên chẳng nhỏ như Bàn Môn Điếm. Nếu như Hàn Quốc không ngừng quảng bá hình ảnh quốc gia, những đặc điểm nổi bật thì ngược lại, CHDCND Triều Tiên luôn bí ẩn khiến cả thế giới phải tò mò.
Lực lượng đặc nhiệm của nước này cũng thế, dù được nhắc đến với nhiều vụ đột kích ngoạn mục, nhưng vẫn là một bí mật được chôn kín để bên ngoài phải ra sức đồn đoán lẫn dè chừng. Lâu nay, không ít các chuyên gia và nguồn tin quân sự cho biết binh sĩ đặc nhiệm của Triều Tiên phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt nhất thế giới, có sức chiến đấu không thua kém đặc nhiệm phương Tây.
Vụ tàu chiến Hàn Quốc Cheonan bị đánh chìm hồi tháng 3.2010 cũng được cho là do đặc nhiệm Triều Tiên gây ra dù Bình Nhưỡng luôn cực lực bác bỏ. Đó là chưa kể đến âm mưu ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee hồi năm 1968 do đặc nhiệm miền Bắc tiến hành.
Quân đội Triều Tiên được cho là có số lượng đặc nhiệm đông nhất thế giới - Ảnh: Japan Times
|
Đông nhất thế giới
Cuối năm 2010, tờ Chosun Ilbo dẫn thông tin từ sách trắng miền Bắc cho hay Triều Tiên có đến 200.000 binh sĩ đặc nhiệm, tương đương với 17% tổng số 1,19 triệu người của quân đội nước này. Nếu như thế, Triều Tiên là quốc gia có lực lượng đặc nhiệm đông nhất thế giới, thậm chí nhiều hơn cả trăm lần so với nhiều nước phát triển phương Tây.
Trước khi tờ Chosun Ilbo loan tin trên, vào năm 1999, một báo cáo của Đại học Không quân Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng có khoảng 104.000 binh sĩ đặc nhiệm được chia thành 4 lực lượng khác nhau. Cụ thể như sau:
Đặc nhiệm bộ binh hạng nhẹ: gồm 44 tiểu đoàn được cho là đảm nhiệm vai trò tác chiến tiên phong, chủ lực và có khả năng đổ bộ ở quy mô lớn. Đặc nhiệm bộ binh hạng nhẹ chú trọng vào vai trò “tấn công thần tốc” để sẵn sàng vô hiệu hóa các lực lượng miền Nam ngay sát biên giới hai bên, tập trung bao vây nhằm phá hủy các địa điểm có giá trị chiến lược.
Đặc nhiệm lính dù: với quân số khoảng 8 lữ đoàn, sẽ được vận chuyển bằng máy bay AN-2, với tầm tác chiến 300 km đủ sức nhanh chóng có mặt ở nhiều vị trí quan trọng của Hàn Quốc. Đây là loại máy bay vận tải hạng nhẹ, mỗi lần có thể chở theo 12 lính dù, phù hợp cất cánh đường băng ngắn và bay tầm thấp để dễ dàng xâm nhập miền Nam một cách bất ngờ.
Đặc nhiệm trinh sát: lực lượng này của Bình Nhưỡng, theo Đại học Không quân Mỹ, có khoảng 4 lữ đoàn không chỉ thiện nghệ về khả năng trinh sát, do thám mà còn nhuần nhuyễn trong tác chiến trực tiếp. Vũ khí và trang thiết bị mang theo cho phép đặc nhiệm trinh sát có thể đột kích vào những vị trí chiến lược của đối phương. Vì thế, đây còn gọi là “lực lượng bắn tỉa” của Bình Nhưỡng.
Đặc nhiệm đổ bộ: có 3 lữ đoàn đóng vai trò sẵn sàng đột kích miền Nam từ hướng biển. Báo cáo của Đại học Không quân Mỹ nhận định Bình Nhưỡng có thể nhanh chóng triển khai 5.000 binh sĩ đặc nhiệm thuộc lực lượng này đổ bộ tấn công Seoul.
“Đồ chơi” phong phú
Theo đó, hầu hết các loại vũ khí và trang thiết bị hiện đại nhất mà Triều Tiên sở hữu đều được biên chế cho lực lượng đặc nhiệm của nước này. Nổi bật trong số đó, phải kể đến loại tàu tàng hình được cho là có chiều dài 38 m, được bao phủ bởi loại sơn chống tín hiệu sóng từ radar, đạt tốc độ 50 km/giờ và tích hợp pháo 57 mm cùng súng máy 30 mm để tăng khả năng chiến đấu. Thậm chí, loại tàu này có thể vượt qua hệ thống radar định vị dò tìm tối tân của miền Nam để tấn công bất ngờ.
Một phương tiện hỗ trợ đắc lực khác cho đặc nhiệm Triều Tiên là 24 tàu ngầm chạy động cơ diesel kết hợp điện thuộc lớp Romeo được cung cấp thời Liên Xô. Đó là chưa kể một số tàu ngầm cỡ nhỏ khác mà Bình Nhưỡng sở hữu. Mỗi chiếc tàu ngầm có thể chở theo các nhóm nhỏ binh sĩ để áp sát, tấn công các vị trí ven bờ của đối phương. Nổi bật trong đội ngũ tàu ngầm, chuyên dành cho đặc nhiệm Triều Tiên, phải kể đến lớp Sang-o với độ choán nước chỉ khoảng 100 tấn, có thể lặn êm ở các vùng nước nông. Hồi tháng 7.1998, tờ The Independent đưa tin Hàn Quốc vừa phát hiện một chiếc Sang-o âm thầm hoạt động cách bờ biển nước này chỉ 11 dặm. Vụ việc đã khiến cả miền Nam lúc bấy giờ đứng ngồi không yên vì lo ngại miền Bắc đang mở chiến dịch tấn công.
Ngoài ra, theo một báo cáo của Cơ quan khảo cứu Quốc hội Mỹ, lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên được thành lập từ năm 1969 để thực thi kế hoạch tiến chiếm miền Nam mà Bình Nhưỡng luôn đeo đuổi. Trong đó, lực lượng này mang nhiệm vụ sẵn sàng đánh úp và phong tỏa cấp thời một khu vực sâu từ 35 - 70 km của Hàn Quốc, tính từ khu phi quân sự. Sau đó, đặc nhiệm miền Bắc sẽ tiếp tục sứ mệnh phá hủy các cơ sở hạt nhân, cơ sở thông tin và cả cơ sở hóa học của miền Nam, rồi nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ đối phương.
Tập trung vào khả năng tốc chiến, Bình Nhưỡng trang bị những loại vũ khí có tính cơ động cho lực lượng đặc nhiệm. Về vũ khí cá nhân, vẫn là các loại súng quen thuộc như AK-47 và cả M-16 vốn xuất phát từ Mỹ. Súng chống tăng B-41 cũng là loại vũ khí quen thuộc đối với đặc nhiệm Triều Tiên. Ngoài ra, lực lượng này còn được hỗ trợ đắc lực bởi các đơn vị pháo binh cùng tên lửa để tấn công mở đường.
Theo giới chuyên gia quân sự, kinh tế khó khăn cùng những biện pháp trừng phạt do Mỹ tiến hành đã giới hạn khả năng hiện đại hóa của đặc nhiệm Triều Tiên. Trong khi đó, đặc nhiệm các nước phát triển giờ đây còn nhận được sự trợ giúp của nhiều thiết bị công nghệ tối tân. Vì thế, khả năng thực chiến của đặc nhiệm Triều Tiên vẫn chỉ là sự phỏng đoán. Đồng phục hay trang bị thực tế của lực lượng này đến nay vẫn chưa hiện diện chính thức với thế giới.
|
Ngô Minh Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét