(GDVN) - Malcolm Turnbull, Bộ trưởng thành viên Nội các Úc bình luận, Trung Quốc thực sự không có đồng minh trong khu vực, ngoại trừ Bắc Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra cứng rắn kể cả về đối nội lẫn
đối ngoại kể từ khi lên cầm quyền.
Tờ Manichi của Nhật Bản ngày 11/7 dẫn lời học giả Hoang Jing, chuyên gia về Trung Quốc từ đại học Quốc gia Singapore bình luận, giới chức Bắc Kinh có một mục đích ở Biển Đông là hạ thấp uy tín của Mỹ càng nhiều càng tốt.
Bắc Kinh tin rằng nếu họ tỏ ra "mềm yếu" sẽ không có kết cục tốt đẹp, vì vậy họ phải tỏ ra khó khăn và sẽ không thỏa hiệp. Người Trung Quốc tin là Mỹ sẽ không đứng ra giúp đỡ đồng minh và đối tác của họ ở Biển Đông trong các tình huống khẩn cấp.
Huang Jing cho rằng trên khắp châu Á, Trung Quốc đang buộc các chính phủ phải thực hiện một sự lựa chọn khó khăn: Chấp nhận đặt tương lai của mình vào sự chi phối của Trung Quốc mới nổi hay dựa vào sự đảm bảo lâu năm của Mỹ.
Trung Quốc không chỉ nhảy vào khiêu khích, tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng từ Hoa Đông cho tới Biển Đông mà còn cam kết xây dựng những gì họ nói là một khuôn khổ an ninh mới cho châu Á, thay thế liên minh với Mỹ đã thống trị khu vực kể từ sau Thế chiến II.
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ví nước ông như một con sư tử "hòa bình, hòa nhã và văn minh", nhưng những hành động của Bắc Kinh cho đến nay đã đặt ra báo động trong khu vực và đẩy các nước láng giềng ở châu Á phải tìm kiếm sự bảo vệ từ Washington.
Hứa hẹn của ông Bình về việc xây dựng một cộng đồng châu Á tự trị thực tế bị nhiều người xem là sự bắt nạt của Trung Quốc. Tập Cận Bình đã thể hiện sự táo bạo tương tự tại Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền, điều này đã trở thành trung tâm của chiến lược mới.
Christopher Johnson, một cựu chuyên gia CIA chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, thành viên Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định, Tập Cận Bình xem bản thân không chỉ là vị cứu tinh của đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn là một "công cụ của lịch sử" để phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh cơ bắp để áp đặt cái gọi là "trật tự thế giới mới" dưới tên gọi cấu trúc an ninh mới ở châu Á. |
Điều đó thể hiện "ý chí mạnh mẽ chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, Alice Ekman, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Quan hệ quốc tế Pháp bình luận. Các quan chức Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh hoạt động "chào hàng" trục châu Á của chính quyền Obama và công khai chế giễu khả năng của Mỹ trong việc duy trì vai trò cảnh sát toàn cầu.
"Chúng tôi đang thấy một cuộc đua tăng cường giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực ở nhiều cấp độ, kể cả về kinh tế, thể chế, chính trị, an ninh kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền", Ekman nói trong một bài giảng gần đây tại Bắc Kinh về chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Bà cho rằng sự thống trị ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với nền kinh tế toàn cầu và sự phụ thuộc của các nước láng giềng với Trung Quốc về mặt thương mại là trung tâm của chiến lược.
Theo Christopher Johnson, mục tiêu trước mắt của Tập Cận Bình là tạo dựng ưu thế chiến thuật về quân sự ở cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên, kéo từ Nhật Bản xuống dưới Indonesia. Trong tháng 5, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong "vùng biển tranh chấp với Việt Nam" (thực tế là Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp - PV).
Ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Trung Quốc đã cải tạo (bất hợp pháp) các bãi đá, rặng san hô (mà họ xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1988 - PV) để có thể xây dựng các căn cứ quân sự bất chấp phản đối của Việt Nam và Philippines. Xa hơn về phía Bắc, Trung Quốc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ về cái gọi là vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông.
Malcolm Turnbull, Bộ trưởng, thành viên Nội các Úc bình luận, Trung Quốc thực sự không có đồng minh trong khu vực, ngoại trừ Bắc Triều Tiên. Và hậu quả là các nước láng giềng của Trung Quốc đang gần gũi với Hoa Kỳ hơn bao giờ hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét