Thưa ông, các nhà giàn DK1 của Việt Nam đã được xây dựng trên các bãi ngầm nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế và trên Thềm lục địa Việt Nam đã tuân theo điều nào của Công ước Luật biển 1982?
Trước hết, chúng ta cần một lần nữa khẳng định rằng, cũng như các khu vực biển khác thế giới, trong phạm vi vùng Đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và trên Thềm lục địa được xác định theo đúng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của các quốc gia ven Biển Đông đều có sự hiện diện của một số bãi ngầm, bãi cạn, ám tiêu san hô… Nhưng, chúng hoàn toàn không phải là “các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành về thực thể một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử” (khoản b, Điều 46, Phần IV, Công ước Luật biển của LHQ năm 1982). Điều này đã được thể hiện trong rất nhiều tài liệu khoa học tự nhiên cũng như xã hội có liên quan đến phạm vi của các quần đảo trong Biển Đông.
Vì vậy, theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, trong vùng ĐQKT, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, khai thác và sử dụng: các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của Công ước Luật biển 1982 hoặc vào các mục đích kinh tế khác… Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó, kể cả quyền tài phán về luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư.
Theo đó, những nhà giàn DK1 mà Việt Nam xây dựng trên các bãi Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Vũng Mây, Huyền Trân là hoàn toàn nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế và trên Thềm lục địa Việt Nam. Việc làm này hoàn toàn theo đúng quy định của Công ước Luật Biển 1982.
Vậy phạm vi và quy chế bảo vệ, quản lý các công trình này như thế nào?
Theo quy định của Công ước, việc xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, phải có các phương tiện thường trực để báo hiệu sự tồn tại của chúng. Nếu các thiết bị đó đã bỏ hoặc không dùng nữa thì phải thảo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải….
Quốc gia ven biển có thể lập ra xung quanh các công trình đó những khu vực an toàn có phạm vị không vượt quá 500m xung quanh chúng tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các công trình đó và đều phải được thông báo theo đúng thủ tục. Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các quy phạm quốc tế liên quan đến hàng hải trong khu vực gần các công trình và các khu vực an toàn đó.
Tuy nhiên không được xây dựng các công trình nhân tạo và lập các khu vực an toàn xung quanh chúng ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
Các công trình nhân tạo này không được hưởng quy chế các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định lãnh hải, vùng ĐQKT và Thềm lục địa.
Viêc xây dựng và bảo vệ các công trình nhân tạo trên Thềm lục địa cũng phải tuân thủ các quy định nói trên, với những sửa đổi cần thiết về chi tiết (mutatis mutandis).
Vậy theo ông, trong khi xây dựng và quản lý, bảo vệ những nhà giàn DK1 phục vụ mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học biển, thăm dò khai thác dầu khí… Việt Nam đã tuân thủ các quy định nói trên như thế nào?
Theo thông tin tôi được biết, hiện nay, Việt Nam đã xây dựng và đang khai thác 15 nhà giàn DK1 trên các bãi cạn nằm trong vùng ĐQKT và Thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam đang sử dụng chúng chỉ nhằm vào những mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí… theo đúng quy định của Công ước Luật Biển 1982. Việt Nam không cố ý biến các bãi cạn này thành các đảo nổi và cố tình gán ghép chúng trở thành một bộ phận của quần đảo Trường Sa.
Tôi cho rằng mọi hành vi cố ý, tìm cách ghán ghép “biến” các bãi ngầm, các bãi cạn, ám tiêu san hô nằm trong vùng ĐQKT và Thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông, thậm chí nằm sát ngay bờ biển của các Quốc gia đó, là hoàn toàn sai trái trong việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982.
Chúng ta cần phải phê phán và bác bỏ những điều sai trái đó bằng mọi phương thức thích hợp, kể cả việc sử dụng đến các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng thủ tục do Công ước quy định. Thiết nghĩ, đó chính là giải pháp có thể hóa giải được những yêu sách vô lý đòi độc chiếm Biển Đông, góp phần khai thông và thúc đẩy quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tạo dựng được “miềm tin chiến lược” của công đồng khu vực và quốc tế trong tình hình hiên nay.
Xin cảm ơn ông!
(IFN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét