Quân đội Việt Nam hiện có loại tên lửa có khả năng gây thiệt hại lớn hoặc phá hủy tàu sân bay là tên lửa hành trình tầm siêu xa P-35B. Ngoài ra tàu ngầm Kilo Việt Nam có thể được lắp đặt 'sát thủ diệt tàu sân bay' Klub–S.
Bản thân mỗi loại tên lửa đã có đủ khả năng tiêu diệt tàu sân bay, nên hai loại vũ khí này kết hợp tác chiến chắc sẽ là "nỗi khiếp sợ" , trở thành "khắc tinh" của tầu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc.
Tên lửa hành trình chống tàu P-35B là thành phần chính trong hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tầm xa 4K44B Redut do Liên Xô phát triển từ những năm 1960. Việt Nam đã nhận viện trợ hệ thống 4K44B và số lượng nhỏ đạn P-35B vào những năm 1980.
Tên lửa được trang bị 2 động cơ: động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn (đưa quả đạn rời ống phóng) và động cơ tuốc bin phản lực KRD-26 kích hoạt đưa tên lửa tới mục tiêu, tốc độ hành trình siêu âm (Mach 1,4) đạt tầm bắn xa 460km. Với cự ly đó, P-35B được coi là tên lửa chống tàu có tầm bắn xa nhất của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Tên lửa được dẫn hướng kết hợp hệ thống định vị quán tính, hiệu chỉnh tham số trong suốt hành trình và radar chủ động ở pha cuối. Sau khi phóng, tên lửa được theo dõi trong suốt chuyến bay thông qua máy bay trinh sát Tu-95RT, Tu-16D, hoặc Ka-25T. Các lệnh dẫn hướng được gửi đến tên lửa từ trạm chỉ huy mặt đất thông qua các hình ảnh mà radar của tên lửa cung cấp thông qua một liên kết dữ liệu video. Từ hình ảnh radar của tên lửa cung cấp, sĩ quan điều khiển sẽ xác định và lựa chọn mục tiêu ưa thích, sau đó khóa mục tiêu bằng radar chủ động của tên lửa.
Trong trường hợp không có sự hỗ trợ dẫn hướng từ các máy bay trinh sát, sỹ quan điều khiển tên lửa sẽ phóng 3-4 tên lửa cùng lúc. Một trong số các tên lửa này sẽ được điều khiển bay lên cao hơn so với các tên lửa khác. Tên lửa này sẽ dùng radar của mình để dẫn đường cho các tên lửa còn lại tấn công một tàu hoặc nhóm tàu được phát hiện bởi các radar cảnh giới. Đây có thể chính là “chiến thuật bầy sói” – dùng nhiều tên lửa công kích vào mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất, tương tự chiến thuật sử dụng P-500 Bazalt và P-700 Granit.
P-35B có độ cao hành trình từ 100-400m, hoặc có thể bay cao từ 4.000-7.000m trong trường hợp dùng radar của tên lửa để dẫn đường cho các tên lửa khác. Ở pha cuối tên lửa hạ thấp độ cao xuống dưới 100m trước khi lao đến mục tiêu. Mặc dù vẫn còn một số nhược điểm như kích thước lớn, thời gian triển khai và thu hồi tương đối chậm; hệ thống dẫn đường dễ bị tổn thương trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Tuy nhiên, 4K44 Redut vẫn còn rất hữu dụng trong nhiệm vụ bảo vệ biển đảo tổ quốc ta trong tình hình hiện tại. Theo một số nguồn tin, Việt Nam đang tiến hành nâng cấp hệ thống 4K44 Redut cải thiện khả năng kháng nhiễu của hệ thống, tăng cường khả năng khóa mục tiêu chính xác của radar.
Trong khi đó, trong chiến lược biển của nước ta, các tàu ngầm tấn công phi hạt nhân Kilo Project 636 của Việt Nam cũng sẽ được trang bị “sát thủ diệt tàu sân bay” 3M-54E Klub-S. Đây là một trong những loại tên lửa hành trình chống tàu hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay.
Tên lửa hành trình chống tàu 3M-54E dùng để tiêu diệt các loại tàu chiến mặt nước như tàu tuần tiễu, tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu hậu cần và cả tàu sân bay hoạt động riêng lẻ cũng như hoạt động theo đội hình tàu trong các điều kiện bị chế áp điện tử.
Tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh 3M-54E dài 8,22m, đường kính thân 0,53m, trọng lượng phóng 2,3 tấn, lắp đầu đạn xuyên giáp nổ phân mảnh nặng 200kg. Tên lửa lắp động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ tuốc bin phản lực cho hành trình bay tăng tốc – tiếp cận mục tiêu cho phép đạt vận tốc gấp gần 3 lần vận tốc âm thanh (Mach 2,9), tầm bắn 200km.
Đạn 3M-54E lắp đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-54 có tầm phát hiện mục tiêu gần 60km. Tức là khi cách mục tiêu tầm 60km, đạn tên lửa sẽ tự động phát hiện, bám bắt và khóa mục tiêu mà không cần sự can thiệp từ tàu phóng.
Tuy 3M-54E1 chỉ đạt tốc độ cân âm ở hành trình bay tiếp cận mục tiêu (Mach 0,8) nhưng nó lại được lắp đầu đạn cỡ lớn, mà theo tính toán trên lý thuyết thì có khả năng vô hiệu hóa (làm bị thương) hoặc đánh chìm tàu sân bay đối phương. Không những thế, quả đạn có quỹ đạo bay cực kỳ phức tạp, trong hành trình tiếp cận mục tiêu, cách 15km, quả đạn chỉ bay cách mặt nước 30m gây khó khăn cho biện pháp đánh chặn của tàu đối phương.
4K44 Redut cùng “lá chắn thép” Bastion-P kết hợp hệ thống tên lửa chống tàu trên hạm 3M54 Klub-S sẽ cho phép tạo nên lưới trận tên lửa chống tàu đủ sức đánh chìm bất kỳ chiến hạm nào xâm nhập chủ quyền quốc gia kể cả tàu sân bay Liêu Ninh.
Vừa qua, Trung Quốc đã hoàn tất việc định hình biên chế của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh. Nhóm tàu hộ tống này bao gồm hai tàu khu trục kiểu 051C thuộc lớp Lữ Châu và hai tàu hộ vệ tên lửa kiểu 054A, lớp Giang Khải cùng với một tàu tiếp tế.
Dù được kỳ vọng như vậy nhưng tạp chí Kanwa Defense Review số tháng 6 dẫn đánh giá của chuyên gia tàu sân bay Nga cảnh báo, tàu sân bay duy nhất hiện nay của Trung Quốc rất có thể sẽ bị biến dạng trong vài năm tới do chất lượng thép sử dụng bên trong và bên ngoài thân tàu không giống nhau. Theo các chuyên gia Nga: “Hiện nay người ta chưa nhìn thấy vấn đề, nhưng một vài năm sau rất có thể sẽ xuất hiện khả năng thân tàu bị biến dạng và mất thăng bằng”. Nhóm kỹ sư thiết kế của Trung Quốc thừa nhận cũng đã biết rõ về điều này và sẽ không ngừng giám sát mọi tình trạng tiếp theo của con tàu để tìm giải pháp xử lý phù hợp.
Chuyên trang công nghệ hải quân Naval Technology nhận định hàng không mẫu hạm này sở hữu các loại khí tài cơ bản như tên lửa đối không, pháo cận chiến cùng hệ thống radar. Thế nhưng, hiệu quả kết hợp của các vũ khí trên với hệ thống định vị và thiết bị điện tử vẫn đáng ngờ vì đây là điểm yếu lớn nhất mà công nghệ hải quân Trung Quốc chưa giải quyết được
Tàu Liêu Ninh được đánh giá thấp về khả năng tự phòng vệ, nhất là khả năng phòng không, chống ngầm. Nó rất dễ bị tiêu diệt bởi các đòn đánh từ trên không bởi các loại máy bay như F-35, Su-27, Su-30 hoặc các loại tên lửa hành trình diệt hạm như Brahmos. Đặc biệt, khả năng chống ngầm của tàu sân bay Liêu Ninh gần như bằng không.
Tạp chí "The Diplomat" nhấn mạnh: Tuy nhiên, họ (TQ) còn khiếm khuyết một lĩnh vực rất quan trọng, là khả năng tác chiến chống ngầm còn quá yếu, đặc biệt khi họ phải đối đầu với Mỹ và Nhật Bản - 2 cường quốc có khả năng tác chiến ngầm dưới nước cực kỳ xuất sắc. Vì vậy, điểm yếu chết người về tác chiến chống ngầm sẽ biến Liêu Ninh thành mồi ngon cho các loại tàu ngầm của đối thủ.
(Tổng hợp từ Kiến Thức, Phunutoday)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét