ANTĐ - Trog chuyến thăm Philippines, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera biểu thị, liên minh hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Philippines là vấn đề có tính tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các sự vụ trong khu vực và tranh chấp trên biển Đông, đang ngày một trở nên căng thẳng
Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Philippines, ngày 27/06 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin. Trong lúc hội kiến, ông Onodera đã bày tỏ, để chống lại sự bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines phải đoàn kết với nhau, dựa trên sự hậu thuẫn của Mỹ để khắc chế Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh rằng, tranh chấp trên biển Đông không thể giải quyết được bằng vũ lực mà phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng bày tỏ, 2 nước đã đạt được nhận thức chung, thông qua trao đổi thông tin nhằm tăng cường sự hợp tác mật thiết giữa Nhật Bản và Philippines.
Lính Mỹ dùng tàu đổ bộ cỡ nhỏ vào căn cứ cũ ở Vịnh Subic để tham gia diễn tập CARAT-2013
Trở lại với một động thái trước đó, vào ngày 22/05 vừa qua, trong cuộc hội đàm với ngoại trưởng Philippines Del Rosario, ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã khẳng định, Nhật sẽ đẩy nhanh tiến độ bàn giao 10 tàu tuần tiễu cho Philippines, nhằm nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng hải quân nước này trên biển Đông.
Sau khi lên nắm quyền, tháng 5 năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe đã cử một đoàn kiểm tra và các chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế (JICA) sang Philippines điều tra, nghiên cứu. Dự kiến trước tháng 8, đoàn kiểm tra này sẽ hoàn tất quá trình xem xét nhu cầu trang bị và thảo luận các biện pháp giúp đỡ Philippines huấn luyện thủy thủ và bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật.
Nhật sẽ đẩy nhanh tiến độ bàn giao 10 tàu tuần tiễu cho Philippines
10 tàu tuần tiễu này được Nhật Bản cung cấp cho Philippines theo phương thức viện trợ phát triển của Chính phủ (Viện trợ không hoàn lại - ODA). Tháng 4 năm ngoái, tại Hội nghị hiệp thương quốc phòng và ngoại giao tổ chức tại Washington, Mỹ và Nhật đã xác định sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư của chính phủ Nhật Bản để cung cấp tàu tuần tiễu cho các quốc gia châu Á và Philippines chính là nước đầu tiên được nhận quy chế này.
Nếu như được gia cố vỏ thép, tàu tuần tiễu sẽ trở thành một chiến hạm thực thụ. Chính vì vậy, Bắc Kinh đã phản đối quyết liệt vì cho rằng Tokyo cung cấp loại tàu này cho Philippines là vi phạm “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” do chính tay họ soạn thảo tháng 4/1967, đặc biệt là nguyên tắc Nhật sẽ không xuất khẩu vũ khí sát thương cho bất cứ quốc gia nào.
Trong cuộc hội đàm lần này, khi bàn về vấn đề tăng cường sự mật thiết trong mối kiên kết giữa 3 nước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã lấy ví dụ về sự kiện các máy bay vận tải cánh quạt nghiêng thế hệ mới nhất của Mỹ là V-22 Osprey, triển khai tại Okinawa đã đến tham dự các cuộc diễn tập quân sự Mỹ - Philippines trên biển Đông trong tháng 1 và tháng 4 năm nay.
Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey Mỹ tham gia diễn tập quân sự liên hợp Balikatan 2013 với Philippines
Bộ trưởng Onodera cho biết, có khả năng các máy bay này sẽ tăng cường thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện chung tại Philippines. Kyodo News phân tích rằng, nếu Osprey được tăng cường đến Philippines vừa giúp nước này có thể kiềm chế được các hoạt động của Trung Quốc, vừa giúp Nhật xoa dịu sự phản đối của dân chúng Okinawa đối với những hoạt động quá ồn ào của loại máy bay này, tại căn cứ quân sự Mỹ đóng ở đây.
Để kết luận, Bộ trưởng Onodera biểu thị, sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Đông nam Á là tài sản quý báu của các nước trong khu vực, đặc biệt, liên minh hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Philippines là vấn đề có tính tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các sự vụ trong khu vực và tranh chấp trên biển Đông đang ngày một trở nên căng thẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét