Tuy nhiên, với những tay thiện xạ thì đây vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu, trên 26 quốc gia khác nhau vẫn đang sử dụng loại súng này (trong đó có Việt Nam) và Dragunov vẫn đang là sát thủ gieo rắc cái chết tại hầu hết các chiến trường trên khắp nơi trên thế giới kể từ khi nó ra đời.
Cũng giống như nhiều vũ khí khác, SVD Dragunov được đặt theo tên của người tạo ra nó, Yevgeny.F.Dragunov, một chuyên gia về vũ khí thể thao, ông xuất thân từ một gia tộc có truyền thống lâu đời về chế tạo súng. Dragunov được chọn là súng trường bắn tỉa của toàn quân đội Liên Xô sau khi Yevgeny.F.Dragunov dành chiến thắng trong một cuộc thi thiết kế súng đầu những năm 1960. Đó là cuộc đua quyết liệt khi SVD-137 (nguyên mẫu của SVD-Dragunov) phải đối đầu với cây súng được phát triển từ AK-47 lừng danh của một trong những “cha đẻ” của súng trường tấn công hiện đại, Sergey.G.Simonov.
Thiết kế “lai” giữa súng trường tiến công và súng bắn tỉa
Trong thiết kế của Dragunov ẩn chứa nhiều điều đặc biệt, thực ra đây là một sự tích hợp giữa súng bắn tỉa thuần với súng trường tấn công. Trong vai trò là súng bắn tỉa, SVD Dragunov có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tầm 1.300m khi được lắp kính ngắm PSO-1, với các bản nâng cấp mới hơn còn được trang bị kính ngắm PSO-2, kính ngắm đêm, kính ngắm nhiệt.. cho phép súng có thể tác chiến bất kể ngày đêm. Chúng cũng có thể được dùng như súng trường tấn công với bộ ngắm điểm ruồi tương tự như trên AK, tầm sát thương hiệu quả trong trường hợp này là 600m, vượt xa so với AK47, không quá 400m. Thậm chí Dragunov còn được trang bị cả lưỡi lê để sẵn sàng cận chiến.
Và để khả năng đa dụng thực sự hiệu quả, Dragunov phải được thiết đặc biệt, nó từ bỏ sự cồng kềnh “sang chảnh” của một khẩu súng bắn tỉa đơn thuần mà vẫn giữ lại khả năng chính xác. Kết quả là như những súng trường tấn công, súng khá nhỏ gọn, cho phép cơ động tốt cả khi hành quân lẫn trực chiến, thiết kế, tháo lắp, sử dụng đều đơn giản, độ bền cao, lăn lộn được với đất cát, với điều kiện khắc nghiệt của chiến trường.
Dragunov đã trở thành một vũ khí đáng sợ được trang bị cho các đơn vị bộ binh cấp chiến thuật của quân đội Liên Xô, của khối Warszawa và của nhiều nước khác sau này. Trong chiến tranh Việt Nam, những khẩu Dragunov do Liên Xô viện trợ cũng đã được bộ đội ta sử dụng rất hiệu quả, lập được nhiều chiến công. Súng thường được trao cho những tay thiện xạ, nhưng trong trường hợp cấp bách thì ngay cả một cậu lính mới 18 tuổi cũng có thể dùng SVD Dragunov.
Súng trường bắn tỉa SVD Dragunov là loại vũ khí bán tự động, trong thiết kế của nó có nhiều phần tương tự với AK nhưng được cải tiến đi để phù hợp. Sũng cũng có các chế độ bắn: bán tự động, thủ công, bắn phát một, khóa an toàn.
Súng cũng nạp đạn theo cơ chế nạp trích khí nhưng sử dụng kết hợp thoi nạp đạn xoay làm giảm độ giật. Vì vậy, so với các loại súng bắn tỉa phát một có thể bắn tối đa 5 phát trong vòng một phút, Dragunov có thể bắn tới hơn 6 phát. Các bộ phận chính tiếp xúc với vụ nổ thuốc súng đều có crom để tăng độ bền. SVD sử dụng băng đạn tiêu chuẩn 10 viên, chúng bắn một loại đạn bằng thép đặc biệt có sức mạnh ghê gớm mang tên 7N14 nhưng về lý thuyết thì với tất cả các loại đạn cỡ 7.62x54mm của Nga, súng đều dùng được. Súng có loa che lửa giúp giữ bí mật vị trí xạ kích rất hữu hiệu.
Vào thời của mình, những khẩu SVD Dragunov không có đối thủ trên thế giới và sau hàng thập kỷ chinh chiến, chúng được công nhận rộng rãi như là súng trường bắn tỉa tốt nhất của thế kỷ 20 cũng như là một trong mẫu súng bắn tỉa đáng sợ nhất của hiện tại.
”Trong suốt thời gian ở Chechnya, tôi chưa từng nghe thấy bất cứ một lời chê bai nào về SVD”, Andrei Mashukov, một quân nhân từng chiến đấu ở Caucasus cho biết. “Một tay thiện xạ có thể dễ dàng nhận ra con mồi của mình trên sườn đồi ở khoảng cách 700m qua một khẩu Dragunov”.
Người Mỹ tất nhiên không muốn công nhận một cách đúng mức giá trị của loại vũ khí này, Dragunov cũng ít xuất hiện công khai ở Mỹ nhưng những người sưu tập súng Mỹ vẫn sở hữu một số lượng đáng kể SVD, một phần cũng bởi kiểu dáng khác biệt của nó. Các tay chơi và buôn bán súng lớn như Gun Holsters và Gungear đều đã đăng những bài kỷ niệm nhân sinh nhật thứ 50 của dòng súng trường bắn tỉa Nga. Thậm trí quân đội Mỹ còn sử dụng SVD trong những nhiệm vụ ở nước ngoài.
Chiến công không tưởng của SVD Dragunov
Đáng để nhắc tới nhất có lẽ là trong trận Kamdesh, “một trong những trận chiến khốc liệt nhất ở Afghanistan” như Tổng thống Barack Obama từng đề cập đến. Vào ngày 3/10/2009, 300 quân Taliban với vũ khí hạng nặng đã tấn công vào khu tiền đồn hẻo lánh của quân Mỹ nằm ở biên giới Pakistan-Afghanistan. Khi đó, viên trung sĩ Clinton.L.Romesha đã lấy được khẩu SVD Dragunov từ xác một binh sĩ thuộc quân đội Quốc gia Afghanistan. Bằng kỹ năng chiến đấu thuần thục kết hợp với vũ khí tuyệt vời đã giúp anh chiến thằng trong một cuộc đấu bắn tỉa, hạ một ổ súng máy và tiêu diệt được thêm 3 phiến quân Taliban đã xâm nhập được vào vị trí ẩn nấp của lính Mỹ. Sau này, Romesha đã được đích thân Tổng thống Mỹ trao Huân chương Danh dự.
Nếu nằm trong tay những kẻ lành nghề, SVD thậm trí có thể trở thành thảm họa cho máy bay. Năm 1989, trong cuộc nội chiến ở El Salvador, một du kích đã hạ máy bay tấn công phản lực Cessna của chính phủ bằng cách bắn chết phi công bằng khẩu SVD.
Nhận thấy sự cần thiết của việc trang bị một vũ khí như Dragunov cho các đơn vị bộ binh, Lầu Năm Góc đã ra lệnh phát triển dòng súng bắn tỉa bán tự động M110. Ra đời sau đối thủ tới 44 năm, M110 mang dáng dấp của một vũ khí hiện đại, được ứng dụng nhiều cải tiến kỹ thuật mới, bao gồm cả hệ thống ngắm bắn quang học. Tuy vậy, nếu xem xét một cách tổng thể thì dòng súng này cũng chỉ đạt độ chính xác tương đương “đồ cổ” của Nga, thậm chí, ở một số đặc điểm còn kém hơn.
SVD Dragunov cũng không ngủ quên trên huyền thoại của chính mình. Dragunov được cải tiến liên tục bằng chính những kinh nghiệm, nghiên cứu rút ra được từ những cuộc chiến mà chúng trực tiếp tham gia. Phiên bản cải tiến thu gọn những năm 1980 cho lính Liên Xô ở Afghanistan, rồi phiên bản 1990, phiên bản 2006. Ngày nay, người con trai của Yevgeny Dragunov là Alexei vẫn đang tiếp tục công việc truyền thống của gia tộc mình để SVD sẵn sàng với vai trò cây súng của thế kỷ 21. Ông tin rằng, xu hướng phát triển của súng trường bắn tỉa sẽ không đi vào tầm xa hay cỡ nòng mà nằm ở tốc độ.
”Khả năng tự động mang lại cho SVD khả năng không giới hạn, cho phép duy trì sự hiện diện của chúng trong quân đội qua khả năng tác chiến tầm gần”.
(Theo Kiến Thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét