15:00 | 30/10/2012
(Petrotimes) – Các nhà ngoại giao Mỹ, Nhật, Ấn Độ đã
tổ chức vòng đối thoại ba bên lần thứ 3 tại New Delhi hôm qua (29/10)
với một trong những chủ đề được bàn thảo chính, theo giới quan sát, là
đối sách với một Trung Quốc “ngày càng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng".
Việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội và mở rộng hoạt
động của Hải Quân trong những năm gần đây gây lo ngại cho các nước láng
giềng
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Trung Á Robert Blake,
Phó Thủ tướng Nhật phụ trách ngoại giao Kenji Hiramatsu và Thứ trưởng
Ngoại giao Ấn Độ phụ trách Đông Á Gautam Bambawale đồng chủ trì Đối
thoại.
Theo hãng tin Indo – Asia, bên cạnh các chủ đề như chính sách “xoay
trục sang châu Á” của Mỹ, chương trình hạt nhân Iran, tranh chấp lãnh
hải giữa Trung Quốc – Nhật Bản và Biển Đông, Đối thoại 3 bên lần này
cũng quyết định tăng cường hợp tác chống khủng bố và đảm bảo an ninh
hàng hải – hai nhiệm vụ khẩn cấp trong bối cảnh ngày càng xảy ra nhiều
vụ cướp biển ở ngoài khơi Vịnh Aden và bờ biển Somalia.
Cũng theo nguồn tin trên, mặc dù Bắc Kinh không được nhắc đến công
khai, nhưng các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải của Đối thoại 3 bên
Mỹ - Nhật - Ấn đã lưu ý về thái độ ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc ở
Biển Đông và sự xâm nhập của Bắc Kinh vào Ấn Độ Dương.
Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân
đội và mở rộng hoạt động của Hải Quân trong những năm gần đây đã khiến
Mỹ, Nhật, Ấn xích lại gần nhau để tạo thành khối liên kết phòng ngừa Bắc
Kinh.
Đối thoại ba bên lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp
chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản
và Washinton đang tích cực thực hiện chiến lược “xoay trục sang châu
Á”.
Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin của
Trung Quốc nhận định chính việc chia sẻ lợi ích chiến lược của 3 nước
Mỹ, Nhật, Ấn đã dẫn đến việc tạo ra cơ chế hợp tác 3 bên. Trong đó, Nhật
Bản là đồng minh quân sự chủ chốt lâu năm của Mỹ và Ấn Độ đã trở thành
đối tác chiến lược trong khu vực của Washington kể từ khi Tổng thống
George W. Bush bước chân vào tòa Bạch Ốc. Hoa Kỳ đã thúc đẩy New Dehli
đóng một vai trò chủ động hơn ở châu Á – Thái Bình Dương, còn Nhật Bản
lại muốn dùng ảnh hưởng của Ấn Độ để phân tán bớt áp lực Trung Quốc từ
phía Đông sang phía Tây.
Linh Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét