Trong khi Malaysia, Philippines, Việt Nam dường như đang tiến hành các bước đưa yêu sách phù hợp thì chính sách của Trung Quốc về các yêu sách trên̉ Biển Đông vẫn là "cố tình nhập nhằng".
>> Tranh chấp đang diễn tiến giữa Trung Quốc và các nước láng giềng
Lãnh thổ của một quốc gia bao gồm lãnh thổ đất liền cùng với các đảo thuộc chủ quyền. Nguyên tắc chung là tất cả các đảo được hưởng cùng các khu vực biển như lãnh thổ đất liền, có nghĩa là, một vùng lãnh hải, vùng EEZ và thềm lục địa. Các quy tắc về đường cơ sở áp dụng cho đất liền cũng dùng cho các đảo. Quy tắc thông thường là đường cơ sở là ngấn thủy triều thấp dọc theo bờ biển.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ quan trọng đối với một số loại đảo. Điều 121 (3) của UNCLOS quy định rằng "đảo đá không duy trì được sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Nói cách khác, đảo đá chỉ được hưởng lãnh hải.
Mặt bằng triều thấp và các thể địa lý ngầm
Mặt bằng triều thấp là những vùng đất hình thành tự nhiên có nước bao quanh, nổi lên trên mặt nước khi thuỷ triều xuống nhưng nằm dưới mặt nước lúc thuỷ triều lên. Các vùng mặt bằng triều thấp không phải là đảo và không có lãnh hải riêng. Tuy nhiên, nếu nằm trong khoảng cách 12 hải lý của bất kỳ vùng lãnh thổ nào, kể cả các đảo, những vùng này có thể được dùng làm điểm đo đường cơ sở của vùng lãnh thổ đó [để tính bề rộng của lãnh hải].
Không quốc gia nào có quyền đòi chủ quyền trên một vùng mặt bằng triều thấp. Nếu một vùng mặt bằng triều thấp nằm trong lãnh hải của một quốc gia ven biển thì nó thuộc về chủ quyền của quốc gia đó, vì quốc gia ven biển đó có chủ quyền đối với đáy biển và tầng đất cái trong vùng lãnh hải của mình. Nếu vùng mặt bằng triều thấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc trên thềm lục địa thì nó không thuộc về chủ quyền của quốc gia nào. Tuy nhiên quốc gia sở hữu vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa mà có chứa vùng mặt bằng triều thấp thì sẽ có quyền tài phán trên vùng mặt bằng triều thấp này.
Các tàu tuần tra của cảnh sát biển Trung Quốc. Ảnh: Cqzg.
Yêu sách đối với vùng biển của các nước thành viên ASEAN
Tất cả các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà có yêu sách về biển đều mới chỉ đòi một vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đo từ đường cơ sở dọc theo bờ biển thuộc đất liền, hoặc từ đường cơ sở quần đảo trong trường hợp của Philippines. Malaysia và Việt Nam đã yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ đường cơ sở bờ biển thuộc đất liền của mỗi nước.
Vào tháng 5/2009, Malaysia và Việt Nam cùng nhau đệ trình hồ sơ về thềm lục địa mở rộng ở phía nam Biển Đông lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hiệp quốc. Việt Nam cũng nộp riêng một hồ sơ thềm lục địa mở rộng khác ở phía bắc Biển Đông cho CLCS. Trung Quốc và Philippines phản đối và yêu cầu CLCS không xem xét các hồ sơ này với lý do có tranh chấp ở các vùng biển này.
Vào năm 2009, Philippines cũng tiến hành các bước quan trọng trong việc làm rõ các yêu sách về biển của nước này bằng việc thông qua luật mới về đường cơ sở phù hợp với các điều khoản của UNCLOS về đường cơ sở quần đảo. Luật này gợi ý rằng Philippines muốn đòi một vùng đặc quyền kinh tế tính từ đường cơ sở quần đảo của mình. Trong luật này, các đảo ngoài khơi mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Bãi cạn Scarborough, đều sẽ được quản lý theo chế độ đảo trong Điều 121 của UNCLOS.
Những bước đi này của Malaysia, Philippines, và Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trên ba khía cạnh. Một là, lần đầu tiên các bản đồ đính kèm trong hồ sơ đệ trình lên CLCS chỉ rõ giới hạn vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Việt Nam. Hai là, luật đường cơ sở mới của Philippines tạo điều kiện dễ dàng cho việc tính toán giới hạn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Ba là, cả ba nước này chỉ tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế tính từ đất liền của họ. Các nước này không tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế từ bất kỳ một đảo ngoài khơi nào mà họ có tuyên bố chủ quyền.
Điều này cho thấy rằng ba nước ASEAN này (và có thể cả Brunei) có thể đang chuyển hướng sang việc thống nhất quan điểm đối với các thể địa lý ngoài khơi ở quần đảo Trường Sa. Nếu đúng như vậy thì các nước này có thể sẽ đưa ra các lập trường như sau. Một là, họ chỉ tuyên bố chủ quyền đối với các thể địa lý thoả mãn định nghĩa về đảo theo UNCLOS (tức là chỉ có một phần ba trong tổng số các thể địa lý ở quần đảo Trường Sa).
Hai là, hầu hết các thể địa lý mà thỏa mãn định nghĩa về đảo thì lại là "những đảo đá không có khả năng duy trì việc định cư và hoạt động kinh tế của con người trên đó" và không được hưởng quy chế có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Ba là, ngay cả đối với các đảo lớn có thể được hưởng quy chế có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng thì chúng cũng chỉ nên cho chúng hưởng lãnh hải 12 hải lý để không gây hiệu ứng thiếu cân xứng lên việc phân định biển. Hệ quả thực tế của lập trường chung này là hầu hết các tài nguyên ở Biển Đông sẽ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển. Các vùng biển tranh chấp sẽ chỉ giới hạn trong vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo tranh chấp.
Yêu sách của Trung Quốc
Trong khi Malaysia, Philippines, và Việt Nam dường như đang tiến hành các bước đưa yêu sách của họ phù hợp với UNCLOS thì chính sách của Trung Quốc về các yêu sách trên̉ Biển Đông vẫn là "cố tình nhập nhằng". Trung Quốc vẫn không đáp lại việc các bên có liên quan liên tục yêu cầu nước này làm rõ các tuyên bố chủ quyền và và yêu sách biển.
Điều đáng lo ngại hơn là Trung Quốc dường như đang chuyển theo hướng khẳng định yêu sách biển không chỉ dựa trên UNCLOS mà còn dựa trên lịch sử. Điều này đặc biệt gây lo lắng cho các bên vì hầu hết các chuyên gia luật quốc tế đều đồng ý rằng không có cơ sở cho các yêu sách lịch sử như thế này trong UNCLOS và thông lệ quốc tế.
Một trong những vấn đề trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không rõ nước này có tuyên bố chủ quyền trên các thể địa lý không thoả mãn định nghĩa về đảo của UNCLOS hay không. Ví dụ, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Bãi Macclesfield mặc dù đây là bãi ngầm, nằm dưới mặt nước ngay cả lúc thuỷ triều xuống thấp. Theo luật quốc tế, các quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thể địa lý thoả mãn định nghĩa về đảo.
Trung Quốc có thể đưa các yêu sách biển của mình phù hợp với UNCLOS bằng cách chỉ tuyên bố chủ quyền đối với các thể địa lý thoả mãn định nghĩa về đảo và chỉ đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ các đảo lớn hơn. Trung Quốc có thể lập luận rằng các đảo phải được hưởng hiệu lực đảo đầy đủ, nhất là khi vùng đặc quyền kinh tế từ đảo nằm ở ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế đòi bởi các quốc gia ven biển tính từ đất liền của họ.
Điều gây tranh cãi chủ yếu trong yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phạm vi yêu sách không dựa trên các đảo đang tranh chấp mà dựa trên đường chín đoạn (hay đường chữ U) tai tiếng. Đường này được vẽ trong bản đồ ̉ kèm theo công hàm mà Trung Quốc gửi cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc vào tháng 5/2009 để phản đối hồ sơ thềm lục địa mở rộng của Malaysia và Việt Nam.
Vấn đề gây quan ngại chủ yếu là hành động của Trung Quốc vào năm 2009 rõ ràng cho thấy nước này đang theo đuổi yêu sách ở Biển Đông theo ba mặt. Một là, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng nước lân cận, mà có thể được hiểu là lãnh hải. Hai là, Trung Quốc cho rằng các đảo này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Ba là, Trung Quốc cũng đồng thời khẳng định các quyền, quyền tài phán và kiểm soát đối với các nguồn lợi dưới mặt nước và dưới đáy biển bên trong đường chín đoạn trên một dạng nào đó về các quyền lịch sử.
Tuân thủ luật hay xung đột
Các quốc gia khác cùng có yêu sách không thể chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng nước này có các quyền và quyền tài phán lịch sử đối với tài nguyên thiên nhiên dưới mặt nước và dưới đáy biển bên trong đường chín đoạn vì các yêu sách của Trung Quốc không hề có nền tảng dựa trên luật quốc tế. Do đó, nếu Trung Quốc vẫn không sẵn sàng làm cho các yêu sách về biển của họ phù hợp với UNCLOS, và giới hạn yêu sách của họ trong các vùng biển tính từ các đảo, thì nước này sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo pháp lý dẫn tới sự xung đột với các láng giềng ASEAN của họ.
Tác giả: GS Robert Beckman; Biên dịch: Nguyễn Trịnh Đôn - Phạm Văn Song. Hiệu đính: Phạm Thanh Vân - Dương Danh Huy. Nguồn: cil.nus.edu.sg
GS Robert Beckman là Giám đốc Trung tâm luật quốc tế, đồng thời là phó giáo sư Khoa luật, Đại học quốc gia Singapore.
Theo Tuanvietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét