(Petrotimes) - Sau 2 ngày (7 và 8/6) nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ven Thái Bình Dương ở Palm Springs, California, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cuộc họp thượng đỉnh. Nhưng kết quả làm việc không được công bố chi tiết. Tuy nhiên, theo giới truyền thông, lãnh đạo Mỹ - Trung đã thống nhất xây dựng mô hình mới trong quan hệ nước lớn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng thắng.
Từ sự đồng thuận mỹ - trung
Ngày 8/6, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon cho biết, 2 nhà lãnh đạo đã đồng ý không chấp nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, đồng ý về sự cần thiết giải quyết vấn đề an ninh mạng, xây dựng mối quan hệ quân sự, cũng như đồng ý cùng nỗ lực chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải các loại khí đặc biệt xấu trong việc gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Thomas Donilon cũng cho biết, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc Chủ tịch nước Tập Cận Bình “làm dịu” cuộc tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và giải quyết vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao. Nhưng Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã lập tuyên bố: Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của mình.
Tổng thống Barack Obama cho biết, Mỹ hoan nghênh sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc như một cường quốc thế giới và hai nước cần hợp tác chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề tồn tại. Bởi Mỹ - Trung là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cần duy trì sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác nhằm vượt qua các thách thức.
Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, song Mỹ - Trung đã đạt được bước tiến mang tính lịch sử và đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước. “Thái Bình Dương đủ rộng cho Mỹ và Trung Quốc” và mục đích chuyến công du tới Mỹ để “quy hoạch tương lai phát triển quan hệ Trung - Mỹ”, là tuyên bố của Chủ tịch nước Tập Cận Bình khi có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands ở Rancho Mirage, California
Theo ông Fareed Zakaria, nhà phân tích vấn đề quốc tế của Washington Post, biên tập viên Tạp chí Times, người dẫn chương trình CNN cho rằng, Trung Quốc không phải là siêu cường thế giới và Washington không cần đối đãi với Bắc Kinh như thế trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Bởi Trung Quốc tuy là nền kinh tế lớn thứ 2 và một ngày nào đó có thể chiếm vị trí số 1 vì quy mô của nó, nhưng quyền lực lại được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể mạnh và giàu, nhưng không phải trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, ông Fareed Zakaria vẫn cho rằng, cuộc hội đàm kể trên có thể được coi là một hội nghị lịch sử tương tự hội nghị tại Bắc Kinh năm 1972 giữa Tổng thống Richard Nixon và Thủ tướng Chu Ân Lai giúp bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung. T
heo ông Christopher Johnson, cựu quan chức CIA chuyên phân tích về Trung Quốc, nay là cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS) cho rằng, tuy chưa thể có ngay sự cải thiện mang tính đột phá trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Tập Cận Bình (lúc đầu dự định gặp nhau lần đầu tiên trong năm 2013 là tháng 9 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nga, nhưng cả hai sau đó đều đồng ý cần gặp nhau sớm hơn) có thể tạo ra một sự khởi đầu thuận lợi hơn cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Còn theo nhận định của ông Robert Zoellick, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cuộc gặp thượng đỉnh Barack Obama - Tập Cận Bình có thể xác định mối quan hệ chiến lược trong những năm tới giữa một “cường quốc lâu đời” với một “cường quốc đang nổi lên”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của học giả David Shambaugh, Trung Quốc ít quan tâm đến tính toàn cầu và theo đuổi chiến lược bá quyền cô đơn, không có đồng minh, lại đang mất lòng tin, gây mối quan hệ căng thẳng với phần lớn thế giới. Còn chuyên viên Aleksandr Larin của Viện Viễn Đông thì cho rằng, thời gian gần đây, quan hệ Trung - Mỹ đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Bắc Kinh tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở những vùng biển mà Washington cũng có lợi ích tại khu vực Đông Á. Do đó, giới bình luận cho rằng, có nhiều vấn đề quan trọng đã làm ảnh hưởng tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Trung.
Ngày 8/6, tờ Quân giải phóng Trung Quốc đưa tin, sau khi được Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình phê chuẩn, Tổng cục Chính trị quân đội Trung Quốc đã triển khai hội nghị học tập và lĩnh hội quyết tâm để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”.
Nhận định của giới chuyên môn
Kết quả đạt được sau khi Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược của Mỹ (CSIS) tổ chức hội thảo với chủ đề “Kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông” tại Washington D.C hôm 6/6 (theo giờ địa phương) được dư luận quan tâm. Bởi đa số học giả (hơn 400 học giả và quan chức chính phủ đến từ Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nhật Bản) có mặt tại hội thảo đều lên án “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của luật pháp quốc tế trong tranh chấp Biển Đông.
Christian Le Miere, chuyên gia cao cấp về hải quân và an ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Leonardo Bernanrd, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật quốc tế đều cho rằng, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nên là cơ chế chính để giải quyết tranh chấp Biển Đông. “Nếu Trung Quốc không muốn UNCLOS là công cụ chính để giải quyết tranh chấp Biển Đông thì đừng nên ký (tham gia Công ước này)”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến tại Rancho Mirage, California
Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Singapore Simon Tay cho rằng, ASEAN và Trung Quốc nên tập trung nhiều hơn vào các hoạt động hợp tác, không quá tập trung vào tranh chấp lãnh thổ mà tìm cách quản lý để nó “không phát nổ” và Trung Quốc phải có vai trò tích cực trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, Đại lục và Đài Loan cần có nỗ lực chung trong việc bảo vệ toàn diện lợi ích dân tộc, bao gồm cả vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tokyo bác đề xuất của người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu về việc đối thoại 3 bên Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Nhật Bản về tranh chấp ở biển Hoa Đông và cùng phát triển tài nguyên ở vùng biển này.
Ngày 4/6, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố, Tokyo không muốn thảo luận về quy chế của Senkaku/Điếu Ngư. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng khẳng định, chẳng có tranh chấp lãnh thổ nào cần phải giải quyết liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, theo tờ Japan Daily Press, trong phần giới thiệu về trò chơi điện tử mang tên “Chiếm lại Điếu Ngư”, tờ Nhân Dân nhật báo tuyên bố “Quyết tâm bảo vệ Điếu Ngư của Trung Quốc là không thể lay chuyển”.
|
Giáo sư nghiên cứu chiến lược và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ Peter Dutton cho rằng, Trung Quốc đã không thông qua đầy đủ các quy định của UNCLOS và yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông không được hỗ trợ bởi luật pháp quốc tế.
Theo Giáo sư Peter Dutton, hành vi mang tính cưỡng chế và sử dụng sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông đã thúc đẩy Philippines kiện “đường lưỡi bò” phi pháp và các hành vi gây hấn của Trung Quốc ra trọng tài quốc tế.
Thay vì để UNCLOS và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng sức ép phi quân sự tại Biển Đông kể từ năm 2008 để tuyên bố yêu sách của mình.
Ông Henry S. Bensurto, Tổng Thư ký Ủy ban Các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng, bất kỳ cơ chế quản lý tranh chấp nào ở Biển Đông đều phải dựa trên luật pháp quốc tế. Chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về khu vực châu Á của CSIS hoan nghênh Philippines đã đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra Tòa án Trọng tài quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joe Yun nói: Không nước nào được sử dụng các biện pháp ép buộc, đe dọa, đặc biệt là dùng vũ lực để thực thi tuyên bố chủ quyền - các bên cần sử dụng biện pháp hòa bình như thương lượng ngoại giao hoặc thông qua nước trung gian thứ 3, hoặc phân xử của trọng tài quốc tế. Bởi mối quan tâm hàng đầu của Washington là tự do hàng hải, khi 50% tổng lượng hàng hóa trên thế giới được trung chuyển qua khu vực Biển Đông và cần được bảo vệ.
Mỹ cũng quan tâm tới việc đảm bảo hoạt động khai thác hợp pháp những nguồn tài nguyên trên Biển Đông của các công ty, trong đó có Mỹ. Đây là lý do Mỹ ủng hộ Trung Quốc và ASEAN đàm phán về COC. Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á của Mỹ Gregory Poling cho rằng, Trung Quốc đang cố tình “đánh lận con đen”, biến những khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp nhằm chiếm đoạt tài nguyên của nước khác. Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS cho rằng, “đường lưỡi bò” không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tới mối quan tâm của các nước hữu quan
Ngày 8/6, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin, Thiếu tướng diều hâu Trương Triệu Trung lại tiếp tục lên Đài Truyền hình Bắc Kinh cáo buộc Philippines “khiêu khích” Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cổ xúy Bắc Kinh dùng vũ lực và chế tài kinh tế trừng phạt Manila. Để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền từ thời cổ đại”, ông Trương Triệu Trung cho hay, năm 1947 chính quyền Tưởng Giới Thạch tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông bằng bản đồ 11 nét đứt (đến năm 1953 Trung Quốc xóa 2 nét đứt ở vịnh Bắc Bộ thành đường 9 đoạn, còn gọi là đường chữ U, hay đường lưỡi bò).
Tờ Business Mirror dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao Philippines cho biết, hình ảnh vệ tinh của nước này cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng công sự trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Bắc Kinh đoạt quyền kiểm soát từ tháng 4/2012. Ngày 6/6, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn “nguồn tin riêng đáng tin cậy” cho hay, Trung Quốc quyết tâm chặn đường tiếp viện của Philippines cho lực lượng đồn trú ngoài Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Bắc Kinh đã điều thêm 1 tàu hải giám xâm nhập trái phép khu vực Bãi Cỏ Mây để canh chừng và ngăn chặn các hoạt động tiếp tế hậu cần, đổi lính chốt gác của Philippines tại khu vực này.
Giới truyền thông đưa tin, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương vừa hội đàm kín (tại Manila, Philippines hôm 7/6) với Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Tổng Tham mưu trưởng Emmanuel Bautista. Tại hội đàm, Đô đốc Samuel Locklear nhấn mạnh, Mỹ phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 7/6, trang Strategy đăng tải nhận định của giới quân sự Mỹ cho hay, quân đội Trung Quốc đang tiếp tục gây lo ngại cho các nước láng giềng với hoạt động ngày càng gia tăng ở Biển Đông buộc những quốc gia này phải tăng cường khả năng phòng thủ. Hải quân Trung Quốc đang hiện diện ngày càng thường xuyên hơn ở Biển Đông và tây Thái Bình Dương, đặc biệt trong nửa đầu năm nay Trung Quốc tập trận ở tây Thái Bình Dương ít nhất 1 tháng 1 lần.
Nhật Bản và Trung Quốc vừa tái khẳng định tiếp tục đàm phán nhằm thiết lập cơ chế tránh các cuộc đụng độ quân sự bất ngờ xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng theo giới truyền thông, ngày 10/6, theo yêu cầu của Tokyo, lính dù của Mỹ và Nhật Bản tập đổ bộ lên hòn đảo bị đối phương chiếm đóng. Kịch bản của cuộc tập trận này được cho là đưa ra những biện pháp đối phó quân sự với Trung Quốc khi cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng nhắc lại quan điểm của Washington: quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi thỏa thuận về an ninh với Nhật Bản, do đó Mỹ phải bảo vệ đồng minh trong trường hợp xung đột vũ trang. Trước đó (7/6), nội các Nhật Bản đã phê chuẩn dự luật thành lập Hội đồng An ninh quốc gia để đối phó với nguy cơ đến từ Trung Quốc.
Ngày 4/6, tại hội nghị bàn tròn Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27 diễn ra trong 3 ngày ở Malaysia với chủ đề "Thay đổi chiến lược ở châu Á", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh (Doanh) bất ngờ để ngỏ khả năng cùng các nước ASEAN tiến hành thăm dò chung ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh luôn tuyên bố có chủ quyền gần hết.
Theo bà Phó Oánh (Doanh), Trung Quốc và các bên liên quan cần tuân thủ cam kết đưa ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cần sớm cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau.
Cũng trong ngày 4/6, tạp chí Forbes và tờ New York Times (Mỹ) cho biết, tấm bản đồ mới do Cơ quan Bản đồ Trung Quốc Sinomaps Press ấn hành đã ngạo ngược đưa tới 80% diện tích Biển Đông vào lãnh thổ của nước này. Được biết, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi các bên tranh chấp tại Biển Đông cùng phát triển các nguồn tài nguyên ở đây để tránh xung đột và ngăn chặn "các nhà nước khác trong khu vực" can dự vào tranh chấp.
|
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét