Mặc dù đã đưa vào sử dụng trong quân đội được hơn 50 năm, thế nhưng cho đến nay, máy bay tuần tra P-3 Orion do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất vẫn thể hiện rõ được tính hữu dụng của mình và trở thành một trong những loại máy bay hiếm hoi vẫn được các nước ưa chuộng.
Theo trang tin IHS Jane's, P-3 Orion lần đầu tiên trình làng tại triển lãm hàng không quốc tế Paris Air Show vào năm 1963 và bắt đầu phục vụ trong Hải quân Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tiễu săn ngầm.
Một chiếc P-3C Orion làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. Ảnh: Naval-technology.com |
P-3 Orion có chiều dài 35,6m, cao 10,3m với sải cánh 30,4m, khối lượng cất cánh tối đa 63,45 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T56-A-14 công suất 4.600 mã lực. Tốc độ tối đa của máy bay là 760km/h, tầm hoạt động tới 4.400km khi tuần tiễu ở tốc độ 600km/h và có thể hoạt động liên tục trên không 16 tiếng. P-3 Orion có khả năng mang nhiều loại vũ khí với tổng khối lượng 9 tấn như tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, ngư lôi MK-46, MK-50, MK-54... Với khối lượng vũ khí này, P-3 Orion không chỉ có khả năng săn lùng tàu ngầm mà còn tiêu diệt mục tiêu trên mặt nước và cả mục tiêu trên bộ.
Biến thể hiện đại nhất của P-3 Orion là P-3C được bàn giao cho Hải quân Mỹ từ 1969 và đã được nâng cấp nhiều lần. Một phi đội tiêu chuẩn vận hành P-3C Orion có 11 người, bao gồm 3 phi công, 2 sĩ quan giám sát bay hải quân, 2 kỹ thuật viên bay, 3 sĩ quan vận hành thiết bị trinh sát và một kỹ thuật viên chung. Với nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm, P-3C được trang bị rất nhiều thiết bị trinh sát hiện đại như sonar DIFAR, thiết bị phát hiện điểm từ trường bất thường (MAD)... Các thông tin thu thập sẽ được chuyển đến máy tính trung tâm, từ đó sẽ phân tích, lưu trữ, gửi đến các cấp chỉ huy hay vận hành tự động những vũ khí trên máy bay.
Niềm tự hào của Hải quân Mỹ
Vào khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi cuộc đối đầu giữa lực lượng Hải quân Mỹ và hải quân Liên Xô (trước đây) lên đến đỉnh điểm, các máy bay P-3 Orion có mặt trong biên chế của 24 phi đoàn Không quân Hải quân và một phi đoàn huấn luyện của Không quân Hải quân Mỹ. Cho dù căn cứ không quân chính của các phi đoàn này chủ yếu nằm trên lãnh thổ Mỹ và quần đảo Ha-oai, thế nhưng các máy bay P-3 luôn trong trạng thái thực hiện sứ mệnh tại những vùng biển nước ngoài, theo dõi hoạt động của các chiến hạm của Liên Xô và các tàu ngầm. P-3 Orion thường xuyên thực hiện những chuyến bay trên vùng cực Bắc A-lát-xca, các căn cứ quân sự tại Át-xu-gi, I-oa-cư-ni và Mi-xa-oa trên lãnh thổ Nhật Bản, ở quần đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ hay căn cứ Cubi Point ở Phi-líp-pin. Trong khi đó, các máy bay P-3 Orion của Ai-xơ-len và Na Uy không chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi và chống ngầm, mà còn thực hiện nhiệm vụ giám sát toàn cầu các vùng biển Bắc Cực, nơi mà những tàu chiến và máy bay của Liên Xô hoạt động thường xuyên. Cũng nhờ vào những phi hành đoàn "Orion", các lực lượng vũ trang Na Uy ở phương Tây trong tháng 4-1987 lần đầu tiên đã có những bức ảnh chất lượng cao của máy bay chiến đấu Su-27 mới nhất của Liên Xô.
Theo trang tin Defense Media Network, ở thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh, Nguyên soái X.A-khrô-mi-ép (Sergey Akhromeyev), Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, từng nói: “Tôi luôn biết các tàu ngầm của chúng tôi ở đâu. Tôi chỉ cần nhìn xem những chiếc P-3 Orion của Mỹ ở đâu và từ đó sẽ biết được vị trí các tàu ngầm của Liên Xô”. Phát biểu của ông X.A-khrô-mi-ép được Hải quân Mỹ xem chính là một lời ngợi ca dành cho sát thủ săn ngầm P-3 Orion. Ngày nay, P-3 Orion vẫn theo dõi các tàu ngầm, song còn có thêm nhiệm vụ mới là bay trên đất liền ở Áp-ga-ni-xtan và châu Phi để lần theo dấu vết khủng bố và cướp biển. “Trong nhiều năm, P-3 Orion là một vũ khí chủ chốt để chống tàu ngầm. Nó có thể tắt hai trong bốn động cơ và bay ở tầm rất thấp, tiếp cận sát vị trí các tàu ngầm”, Defense Media Network dẫn lời chuyên gia phân tích về Hải quân N.Pôn-ma (Norman Polmar) nhận xét.
Không dễ bị thế chỗ
IHS Jane's cho biết, mặc dù từ năm 2012, Hải quân Mỹ đã bắt đầu phát triển máy bay P-8A Poseidon tiên tiến hơn để thay thế cho P-3C, nhưng chỉ nhìn số lượng máy bay P-3C hiện còn trong biên chế của Hải quân Mỹ là đủ biết nó vẫn còn hữu dụng thế nào. Tuy rằng đã nhiều lần tinh giản biên chế, lực lượng máy bay trinh sát chống ngầm của Mỹ hiện tại vẫn còn 37 trung đội (trong đó có 17 trung đội dự bị) với lực lượng chủ lực là loại máy bay P-3C Orion với 120 chiếc.
Trong khi đó, theo Defense Media Network, P-3 Orion là loại máy bay săn ngầm phổ biến nhất hiện nay. Có khoảng 435 chiếc P-3 Orion đang phục vụ trong lực lượng Hải quân của 21 quốc gia trên khắp thế giới từ Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ô-xtrây-li-a đến Chi-lê, Hàn Quốc, Thái Lan… chiếm số lượng đáng kể trong tổng số 757 chiếc được sản xuất trong giai đoạn 1962-2000. Các chuyên gia cũng thừa nhận bề ngoài của P-3 Orion không thay đổi nhiều trong những thập niên qua, song trang thiết bị bên trong cũng như phương tiện điện tử và các phần mềm lại không ngừng được cải tiến, nhờ đó nó vẫn có được chỗ đứng riêng và chưa thể thay thế, ít nhất là trong thời gian tới. “Thời gian trôi qua nhưng P-3 Orion vẫn chứng tỏ nó hoàn toàn thích hợp đối với các hoạt động tuần tra và hỗ trợ trên biển trong nhiều năm tới”, trang tin IHS Jane's nhận định.
Theo VĨNH AN (QĐND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét