Trực thăng HZ1 Aerocycle
Đây là loại trực thăng một người được quân đội Mỹ phát triển trong những năm 1950 của thế kỷ trước. Nhà thiết kế hy vọng tạo ra một phương tiện bay dễ điều khiển mà các phi công có thể lái chúng sau 20 phút đào tạo. Quân đội Mỹ kỳ vọng HZ1 Aerocycle sẽ trở thành thiết bị trinh sát tiêu chuẩn.
Trực thăng HZ1 Aerocycle.
Mẫu thử nghiệm đạt được những thành công bước đầu nhưng đánh giá đầy đủ của quân đội cho thấy các binh sĩ không thể điều khiển thiết bị nếu chỉ được đào tạo qua loa. Trong khi đó, tai nạn xảy ra trong quá trình thử nghiệm khiến quân đội Mỹ ngừng dự án. HZ1 Aerocycle có một mô hình duy nhất.
Máy bay lai trực thăng Lockheed XFV “Salmon”
Tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed của Mỹ tạo ra XFV “Salmon” trong nửa đầu những năm 1950. Đây là loại máy bay cánh bằng có khả năng cất cánh thẳng đứng (giống "quái vật" V-22 Osprey của Mỹ). Khi đạt độ cao nhất định, phi cơ sẽ quay một góc 45 độ để bay song song với mặt đất.
Một chiếc XFV trong quá trình thử nghiệm.
XFV thực hiện 32 chuyến bay thử nghiệm. Người ta hy vọng nó sẽ tăng đáng kể khả năng tác chiến của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, không nhiều phi công sẵn sàng lái thử nghiệm XFV lần thứ hai vì họ cảm thấy nguy hiểm khi máy bay tiếp đất. Cuối cùng, người ta nhận thấy máy bay di chuyển quá chậm nên không đủ tiêu chuẩn để phục vụ trong hải quân Mỹ. Nó bị khai tử không lâu sau đó
Thủy phi cơ Convair F-2Y Sea Dart
Đây là máy bay duy nhất của Mỹ được trang bị hai ván trượt, giúp nó cất cánh từ dưới nước. Hai động cơ phản lực giúp máy bay tăng tốc trong khi hệ thống ván trượt, có khả năng thay đổi góc, giúp máy bay lướt trên mặt biển trước khi cất cánh ở vận tốc nhất định. Năm 1948, nó được hải quân Mỹ lựa chọn để làm nguyên mẫu chế tạo phi cơ đánh chặn siêu âm trong bối cảnh tàu sân bay chưa thực sự chứng minh hiệu quả.
Convair F-2Y Sea Dart chạy đà cất cánh.
Convair F-2Y Sea Dart là thủy phi cơ duy nhất của Mỹ có thể bay với vận tốc siêu âm. Quá kỳ vọng vào loại vũ khí này, hải quân đặt làm nguyên mẫu thứ hai và đặt mua 12 chiếc khi nguyên mẫu thứ hai chưa hoàn thành. Tuy nhiên, vụ tai nạn nghiêm trọng năm 1954, khi một chiếc Convair F-2Y tự vỡ vụn trong không trung, khiến dự án bị khai tử.
Máy bay hình đĩa Vought V173
Hải quân Mỹ chi tiền cho dự án chế tạo Vought V173 trong đầu những năm 1940 nhằm tạo ra một loại máy bay chiến đấu thế hệ mới trong Thế chiến II. Máy bay giống một chiếc đĩa khổng lồ hai động cơ cánh quạt. Mẫu thiết kế của nó đến tay hải quân Mỹ trong năm 1939. Người ta thử nghiệm nó trong năm 1940 và 1941.
Chiếc đĩa khổng lồ Vought V173 trong một lần bay thử nghiệm.
Cuối năm 1942, một chiếc Vought V173 được phép cất cánh. Tuy nhiên, hộp số phức tạp khiến máy bay gặp trục trặc. Sau khi sửa chữa, phi cơ thực hiện 190 lần bay. Nó chứng minh độ bền lý tưởng khi hạ cánh khẩn cấp trên một bãi biển. Tuy nhiên, ngày 31/12/1947 là lần cuối cùng một chiếc V173 rời mặt đất. Chỉ một chiếc V173 được chế tạo.
Trực thăng X-18
Trực thăng X-18 được coi là tiền thân của "quái vật" V-22 Osprey bởi khả năng xoay hai động cơ từ thẳng sang ngang và ngược lại. Được thiết kế bởi Stanley Hiller Jr và tập đoàn Hiller Aircraft, X-18 nhận hợp đồng đài thọ của không quân Mỹ và chính thức được thử nghiệm năm 1959.
Máy bay X-18, tiền thân của "quái vật" V-22 Osprey.
Tuy nhiên, khả năng kết hợp giữa các động cơ trong quá trình bay kém hoàn hảo, khiến việc cất và hạ cánh là tử huyệt của X-18. Sau 20 lần thử nghiệm chưa một lần thành công mỹ mãn, kế hoạch phát triển X-18 hoàn toàn phá sản vào tháng 7/1961. Không một chiếc X-18 nào được cất cánh kể từ đó nhưng thành tựu mà loại máy bay này đạt được chính là tiền đề để chế tạo quái vật V-22 Osprey mà Mỹ đang sử dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét